Thông tin liên hệ
- 0903 177 877
- hotro@xecung.com.vn
Vừa qua, tại chương trình Duyên phận, nghệ sĩ ưu tú Thành Lộc đã tâm sự về những cơ duyên đầu tiên dẫn mình đến với kịch nói.
Tôi nghe thấy tên Kim Cương sợ quá, khóc quá trời khóc
Tôi đến với nghề này đúng là một duyên phận. Tôi vốn là con nhà nòi, cả dòng họ bên nội, bên ngoại đều làm về nghệ thuật sân khấu truyền thống. Ngay bản thân tôi từ nhỏ đã nghĩ sau này sẽ làm nghệ sĩ, nhưng là nghệ sĩ cải lương chứ không phải nghệ sĩ kịch nói. Việc theo kịch nói là một trang tôi tự lật ra cho mình.
Nghệ sĩ Thành Lộc (bên trái) và ca sĩ Long Nhật (bên phải)
Từ hồi 8 tuổi, tôi đã xuất hiện trên các ban thoại kịch của những nghệ sĩ tài danh trên truyền hình trước 1975.
Ngày đó, NSND Kim Cương đi săn lùng một đứa con nít để đóng vai đứa trẻ trong vở kịch kinh điển Lá sầu riêng, với NSND Bảy Nam. Bà săn lùng khắp nơi vẫn không tìm được ai, mới nghĩ ra là phải tìm con nhà nòi cho dễ. Thế là bà tìm đến nhà tôi.
Tôi đang chơi ngoài sân thì bố mẹ tôi thốt lên: "Trời ơi, kỳ nữ Kim Cương kiếm thằng Tâm (tên lúc nhỏ của Thành Lộc) đi đóng kịch kìa". Tôi nghe thấy tên Kim Cương sợ quá, khóc quá trời khóc. Hai chị tôi kéo tôi đi mà tôi vùng vằng, khóc nức nở không chịu đi.
NSND Kim Cương thấy thế mới bảo: "Trời ơi, con nghệ sĩ gì mà nhát quá trời, lớn lên rồi làm ăn cái gì được đây". Nói rồi, NSND Kim Cương đành bỏ đi vì tôi sợ, nhất quyết không đóng.
Một tháng sau thì vở kịch Lá sầu riêng được phát sóng truyền hình, người đóng vai đứa trẻ là anh Chí Thông. Cả xóm tôi xem chung một cái tivi, thấy thế mới bảo tôi: "Giá mày nhận lời đóng thì có phải bây giờ nổi tiếng rồi không".
Lúc đó tôi sốc lắm, nghĩ lại thấy tức chính mình, không hiểu sao lại từ chối NSND Kim Cương. Tôi tức câu nói của NSND Kim Cương: "Lớn lên làm ăn gì được". Đó là cú hích đầu tiên khiến tôi muốn theo đuổi kịch nói.
Nghệ sĩ Thành Lộc
Tôi là một trong những thế hệ nghệ sĩ đầu tiên được đào tạo bài bản trường lớp trong nước để ra nghề
Sau khi đất nước thống nhất, hàng loạt đoàn kịch nói ngoài Hà Nội tràn vào Sài Gòn và trụ lại rất lâu, với những nghệ sĩ tài danh thời đó như Trọng Khôi, Đoàn Dũng, Minh Trang, Hoàng Cúc… Họ diễn rất xuất sắc với nhiều vở kịch gây ấn tượng mạnh trong lòng tôi.
Lúc đó, tôi là một cậu thiếu niên 15 tuổi, đang trong tâm thế bước vào đời, lại giữa lúc đất nước còn khó khăn nên tôi có ham muốn đóng góp thanh xuân của mình cho vận mệnh của đất nước.
Bạn bè xung quanh tôi đều đi phục vụ đất nước nên lý tưởng sống của tôi lớn, ào ạt lắm. Thế là tôi quyết định chọn con đường nghệ thuật để cống hiến cho đất nước và thi vào trường Nghệ thuật Sân khấu.
Dù là con nhà nòi nhưng tôi vẫn muốn được học hành cho bài bản để hiểu biết một cách khoa học về nghề diễn.
Nghệ sĩ Thành Lộc thời trẻ
Tôi không theo cải lương vì thời điểm đó, kịch nói là loại hình nghệ thuật truyền đạt được tình hình xã hội, đất nước một cách kịp thời, sát nhất. Có những dòng kịch trở thành hiện tượng như kịch Lưu Quang Vũ.
Tôi cũng chính là một trong những thế hệ nghệ sĩ đầu tiên được đào tạo bài bản trường lớp trong nước để ra nghề.
Vở kịch đầu tiên tôi diễn là Đêm họa mi, đóng với Hồng Đào khi ấy đang học năm hai trường Sân khấu. Đây là một thử thách rất lớn với chúng tôi vì công chúng Sài Gòn vốn quen với lối diễn kịch cũ, chưa tiếp xúc với lối diễn kịch mới.
Thế hệ chúng tôi có làm được trò trống gì không, có xứng đáng kế cận lớp cũ hay không đặt lên vở kịch này hết, nên chúng tôi khá áp lực.
Cuối cùng thì chúng tôi cũng thành công, chiếm được cảm tình của đại đa số khán giả Sài Gòn. Đây là vở kịch đầu tiên của miền Nam được đem ra phát sóng ngoài Bắc, trên đài truyền hình Việt Nam.
Nguồn tin: https://soha.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn