Thông tin liên hệ
- 0903 177 877
- hotro@xecung.com.vn
Thời đại xe điện tới gần mở ra cả nhiều cơ hội cho các nhà sản xuất trong ngành xe, nhưng đi cùng với đó cũng là khó khăn. Tại một sự kiện gần đây, Giám đốc Điều hành (CEO) của Ford, ông Jim Farley đã phát biểu tại Hội thảo Quyết định Chiến lược Bernstein lần thứ 38, chỉ ra một hiện thực khốc liệt trong ngành xe nói chung.
Cụ thể, ông cho rằng trong tương lai, các thương vụ sát nhập sẽ diễn ra thường xuyên hơn so với các thương vụ hợp tác hay liên doanh đang phổ biến ngày nay.
CEO của Ford, ông Jim Farley, cho rằng sẽ có nhiều thương vụ sát nhập trong tương lai.
Lượng vốn khổng lồ cần đầu tư cho công nghệ sẽ đẩy các công ty nhỏ tới một thương vụ sát nhập, hoặc sẽ càng khiến họ khổ sở hơn khi vốn dần cạn. Ông Jim Farley cho rằng thị trường xe điện mà các hãng xe khởi nghiệp hướng tới là không "đủ lớn để tương xứng với khoảng vốn mà họ bỏ ra".
Ông Jim Farley nói: "Các nhà sản xuất cũ chắc chắn sẽ buộc phải sát nhập". .[...] Sẽ có những kẻ thắng lớn, một số chọn chuyển đổi [sang xe điện], một số thì không. Có nhiều [hãng xe] nhỏ không đủ khả năng chi trả cho cuộc chuyển đổi này. Nhiều trong số đó không đầu tư vào phần mềm và công nghệ nền tảng - thứ là trọng tâm trong cuộc chuyển đổi này. Không phải mô-tơ điện hay hộp số, đó phải là các mô-đun chuyển đổi giao thức, là phần mềm điều khiển cả chiếc xe."
Sau phát biểu này, một số người đồn đoán rằng trong thời gian tới, Ford sẽ đầu tư để phát triển mô-đun, sau đó kiếm lời bằng cách đem thứ công nghệ đó cho các công ty nhỏ hơn thuê sử dụng. Trên thực tế, không đơn thuần chỉ các công ty khởi nghiệp sẽ đương đầu khó khăn, mà ngay cả các nhà sản xuất cũ nhưng có quy mô nhỏ cũng sẽ sớm rơi vào tình cảnh báo động.
Cũng trong giai đoạn khốc liệt này, CEO của Ford cho rằng các hãng xe điện Trung Quốc sẽ sớm tận dụng thời cơ này mà gia tăng tầm hiện diện và sức nặng của mình lên các đối thủ gốc Mỹ, ông nói: "Ngành xe đang thay áo, và chiếc áo mới khoác lên sẽ mang tới nhiều thuận lợi cho các tay chơi từ Trung Quốc."
Dù không chắc cụ thể tới cái tên nào từ đất nước tỷ dân, nhưng chúng ta có thể điểm ra những cái tên nổi cộm, đó là NIO, XPeng và Li Auto. Đây đều là những cái tên được giới chuyên gia đem ra bàn thảo, đều đã bán xe tại thị trường trọng điểm châu Âu, hoặc ít nhất là từng có kế hoạch nghiêm túc để làm như vậy.
Showroom của NIO tại Olso, Na Uy. Ảnh: NIO
Ông Jim Farley nhắc tới Trung Quốc có lẽ bởi các tay chơi từ đất nước này đang làm rất tốt trong việc cung cấp ra thị trường những chiếc xe điện với giá thành không thể hợp lý hơn. Chính ông lấy mẫu xe điện nhỏ xinh Hongguang Mini EV ra để làm ví dụ. Mẫu xe này thực tế là sản phẩm liên doanh tay ba giữa General Motors của Mỹ và SAIC, Wuling của Trung Quốc.
Hongguang Mini EV với thiết kế trẻ trung, hiện đại, ấn tượng, đi kèm mức giá quá hấp dẫn đã khiến nó trở thành mẫu xe điện bán chạy nhất tại thị trường tỷ dân. Ngay cả những khách hàng ở các quốc gia lân cận cũng cho thấy rằng họ mong chờ được sở hữu một chiếc. Chiếc xe này là ví dụ quá rõ để thấy rằng xe điện không cần phải đắt tiền để được khách hàng yêu mến.
Mẫu xe điện bán chạy nhất Trung Quốc năm 2021 là một mẫu xe điện giá rẻ - Hongguang Mini EV (trong ảnh). Ảnh: Hongguang
Tesla Model 3 là sản phẩm được kỳ vọng có mức giá phổ thông 35.000 USD. Ảnh: Tesla
Cần nhắc rằng trong giai đoạn rối loạn nguồn cung linh kiện, mẫu xe điện Tesla giá rẻ "35.000 USD" của Elon Musk giờ đang bán tại Mỹ với mức giá gần 45.000 USD.
Để có được một mẫu xe rẻ nhưng vẫn chất lượng, các khoản phí không quan trọng cần phải được gạt đi. Ông Jim Farley cũng lấy Tesla làm ví dụ cho mô hình bán trực tiếp không qua đại lý, khi Tesla có thể tiết kiệm khoảng 2.000 USD mỗi chiếc so với cách bán qua đại lý truyền thống của Ford.
Nếu nói các vấn đề khí hậu là cơn mưa, hãng xe điện là nấm thì thế giới đang có rất nhiều cây nấm mọc lên ngay trong cơn mưa ấy. Ngoài cái tên như Rivian hay Lucid tạo ra được các sản phẩm đột phá và có được chiếc ví dày cộp đứng sau (Amazon của tỷ phú Jeff Bezos đứng sau Rivian, Quỹ đầu tư công của Ả Rập Xê-út đứng sau Lucid), các cái tên như Faraday, Canoo, Lordstown, Bollinger, Nikola... dường như đang và sẽ gặp vấn đề đúng như ông Jim Farley nhận định: Thị trường nhỏ mà vốn bỏ ra quá lớn.
Theo số liệu từ JATO, doanh số xe điện toàn thế giới năm 2021 đạt khoảng 4,2 triệu chiếc, tức tăng 108% so với năm 2020, tăng 198% so với năm 2019. Tuy nhiên, so với con số 69,8 triệu chiếc xe được bán ra toàn cầu năm 2021 (theo Statista) thì doanh số xe điện vẫn chỉ chiếm nhỉnh hơn 6%.
Faraday Future FF91 với công suất 1050 mã lực đã từng được kỳ vọng gây khó khăn cho Tesla Model X. Ảnh: Faraday
Gặp vấn đề đó, có lẽ các hãng khởi nghiệp xe điện cũng chỉ đủ lực để có thể phát triển ở số lượng xe nhỏ. Faraday đã giới thiệu mẫu Faraday Future FF91 từ năm 2017, nhưng mãi tới đầu năm 2022 mới tới được phiên bản tiền sản xuất; việc chậm trễ được đồn đoán có liên quan tới chi phí đầu tư cho kỹ thuật, thiết kế và thử nghiệm xe, khi hãng công bố khoản lỗ gần 149 triệu USD trong Quý I/2022 (cùng kỳ năm 2021, Faraday chỉ lỗ 19 triệu USD).
Trong một tài liệu của Canoo (một công ty khởi nghiệp từ năm 2017 với 2 vị sáng lập từng là nhân sự cấp cao của Deutsche Bank và BMW), hãng đã ghi rõ: "Doanh nghiệp của chúng ta cần một khoản vốn đầu tư lớn. Nếu chúng ta không thể có được đủ số vốn cần thiết, hoặc không thể tiếp cận tới khoản vay vốn đủ lớn, chúng ta sẽ không thể triển khai các kế hoạch kinh doanh, và có thể sẽ phải đóng cửa, hoặc cắt giảm nhiều hoạt động, tình hình kinh tế và kết quả hoạt động sẽ bị ảnh hưởng nặng nề". Cùng thời điểm, hãng thông báo về khoản lỗ ròng lên tới 125,4 triệu USD trong Quý I/2022 dù chưa bán ra chiếc xe nào.
VinFast VF 8 được bắt gặp tại Ấn Độ. Nguồn: Sceii841.
Trong khi đó, VinFast - một cái tên rất mới - lại đang thể hiện tốt hơn so với nhiều công ty khởi nghiệp cùng làm xe điện. Không kể các mẫu xe máy điện, VinFast đã thực sự làm được và đang bán ra một mẫu ô tô điện - VinFast VF e34. Ngoài ra, VinFast gần đây liên tục được bắt gặp đem xe đi thử nghiệm, từ Mỹ, Canada, Tây Ban Nha, tới việc chuyển xe thử nghiệm qua Trung Quốc và Ấn Độ.
Cũng cần nhắc lại rằng VinFast đã tổ chức lái thử mẫu VF8 tại cả Mỹ và Việt Nam, chứng tỏ rằng mẫu xe đã tới rất gần giai đoạn sản xuất và bán ra thị trường. Theo kế hoạch từng đề ra, VinFast sẽ bắt đầu bàn giao tại Việt Nam 2 mẫu VF8 và VF9 vào khoảng cuối năm nay.
VinFast sẽ trang bị hệ thống tự lái coPILOT do ZF phát triển với các tính năng hỗ trợ lái cấp độ 2 , có thể nâng cấp lên cấp độ 4.
Liệu VinFast có bí mật nào cho cách phát triển rất nhanh của mình? Khó có được một câu trả lời ngắn gọn và chính xác, nhưng có thể lấy một ví dụ rằng thay vì VinFast đầu tư để tự phát triển hệ thống tự lái, hãng xe Việt đã công bố hợp tác với ZF để trang bị hệ thống coPILOT do ZF phát triển. Các thương vụ hợp tác như vậy rất có thể là một trong những "kế sách" để VinFast có thể đi thật nhanh nhưng vẫn có cho mình công nghệ hiện đại hàng đầu thế giới.
Đặt một cái nhìn bao quát, có thể thấy rằng khi nhiều hãng xe đang gặp khó khăn và phải lui lại kế hoạch của họ, đây là một cơ hội để các hãng xe khác đang còn đứng vững bứt lên. VinFast có thể là một trong số đó, có thể tận dụng cơ hội này để chiếm lĩnh nhiều thị trường hơn và chứng tỏ năng lực.
Nguồn tin: https://soha.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn