Thông tin liên hệ
- 0903 177 877
- hotro@xecung.com.vn
Đây là ý kiến của Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Lê Xuân Định tại Hội nghị “Hướng dẫn triển khai thực hiện Đề án tăng cường đổi mới hoạt động đo lường hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” do Viện Đo lường tổ chức chiều 16/10.
Theo Thứ trưởng Lê Xuân Định, phát triển hạ tầng đo lường quốc gia trong bối cảnh mới phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, hội nhập quốc tế là nhiệm vụ trọng tâm của hoạt động tiêu chuẩn đo lường chất lượng trong suốt 7 thập niên qua (kể từ khi Chủ tịch Hồ Chí Minh ký ban hành Sắc lệnh số 08/SL về đo lường ngày 20/1/1950).
Ngày 10/8/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 996/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Tăng cường, đổi mới hoạt động đo lường hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” (gọi tắt là Đề án 996).
Để tổ chức triển khai nhiệm vụ này, ngày 16/01/2018, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành Quyết định về việc phê duyệt kế hoạch thực hiện triển khai Đề án 996 và một số văn bản khác như: Phê duyệt “Danh mục ngành, lĩnh vực sản xuất, kinh doanh trọng tâm cần tăng cường, đổi mới hoạt động đo lường đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, ban hành TCVN13187: 2020 Phòng thí nghiệm đo lường - Tiêu chí đánh giá năng lực đo lường…
Đề án 996 nhằm phát triển hạ tầng đo lường quốc gia theo hướng đồng bộ, hiện đại, đáp ứng hội nhập quốc tế và nhu cầu bảo đảm đo lường chính xác cho hoạt động doanh nghiệp, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội Việt Nam, phù hợp với quy hoạch phát triển bộ ngành, địa phương.
Đồng thời tập trung hỗ trợ doanh nghiệp trong một số ngành, lĩnh vực ưu tiên; xây dựng và triển khai hiệu quả Chương trình bảo đảm đo lường tại doanh nghiệp; tăng cường hoạt động đo lường gắn chặt với hoạt động doanh nghiệp. Xây dựng và áp dụng hiệu quả bộ tiêu chí quốc gia đánh giá các lĩnh vực đo lường để tăng cường hiệu quả, hiệu lực của công tác quản lý nhà nước về đo lường…
Cụ thể, đến năm 2025, phát triển hạ tầng đo lường quốc gia đáp ứng công nhận đủ 41 chuẩn đo lường quốc gia theo quy hoạch đã được duyệt; công nhận ít nhất 200 phép đo hiệu chuẩn được quốc tế thừa nhận trong khuôn khổ Thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau toàn cầu về đo lường. Phát triển ít nhất 100 chất chuẩn, chuẩn đo lường, phương tiện đo các loại đáp ứng nhu cầu bảo đảm đo lường chính xác cho doanh nghiệp… Định hướng đến năm 2030, phát triển được ít nhất 250 chất chuẩn, chuẩn đo lường, phương tiện đo các loại đáp ứng nhu cầu bảo đảm đo lường chính xác cho doanh nghiệp...
TS.Cao Xuân Quân, Viện trưởng Viện Đo lường Việt Nam cho rằng, các bộ ngành, địa phương và doanh nghiệp cần thống nhất định hướng phát triển hạ tầng kỹ thuật đo lường từ cấp quốc gia đến cấp bộ ngành, địa phương; tập trung huy động các nguồn lực thực hiện các kế hoạch phát triển hạ tầng đo lường quốc gia từng giai đoạn.
Tại Hội nghị, các chuyên gia thuộc các ngành khoa học, kỹ thuật, các nhà quản lý đã cùng thảo luận về các giải pháp hữu hiệu để xây dựng, phát triển hạ tầng đo lường quốc gia và thực hiện các nhiệm vụ của Đề án 996 nhằm hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế. Đồng thời đề xuất những cơ chế và phương thức phối hợp phù hợp với những yêu cầu, điều kiện của biện pháp quản lý mới trong giai đoạn hiện nay, đặc biệt trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang diễn ra nhanh chóng trong phạm vi toàn thế giới.
Hoàng Giang
Nguồn tin: http://baochinhphu.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn