Thông tin liên hệ
- 0903 177 877
- hotro@xecung.com.vn
Thưa ông, ông đánh giá như thế nào về vai trò Chủ tịch ASEAN 2020 của Việt Nam trong việc đẩy mạnh đoàn kết và hợp tác trong khu vực nhằm ứng phó với đại dịch COVID-19 và thúc đẩy phục hồi sau dịch, cũng như đề cao tiếng nói chung của ASEAN trước các vấn đề trong khu vực?
Ông Phạm Quang Vinh: Trước hết, tôi muốn nhấn mạnh đến 2 vế, một là vai trò Chủ tịch ASEAN của Việt Nam trong năm 2020, hai là vai trò trung tâm của ASEAN trong các vấn đề khu vực. Chúng ta đều thấy rằng, năm 2020 là một năm rất đặc biệt. Đáng lý ra năm 2020 phải là bước chuyển mới của ASEAN và Việt Nam nói riêng, thì cả khu vực này và thế giới bị chìm trong đại dịch COVID-19, kéo theo đó là khi bị cách ly xã hội, phong tỏa, đóng cửa biên giới và khủng hoảng về kinh tế. Việt Nam với tư cách là nước Chủ tịch ASEAN đã chủ động và rất trách nhiệm trong việc thúc đẩy vai trò của ASEAN. Khi đại dịch bắt đầu, ASEAN đã được cảnh báo và hợp tác chung tay vào ứng phó với đại dịch. Cụ thể, từ tháng 2/2020, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với tư cách là Chủ tịch ASEAN đã ra tuyên bố để các nước ASEAN đoàn kết phòng chống đại dịch. Sau đó là một loạt hội nghị, sáng kiến, các cuộc điện đàm để từng nước ASEAN một mặt tự mình ứng phó với sự lây lan chưa từng có của đại dịch, một mặt có sự phối hợp chung ở trong khu vực để hỗ trợ lẫn nhau, vừa phòng chống đại dịch vừa tiếp tục duy trì các chuỗi cung ứng và hợp tác mọi mặt kinh tế.
ASEAN không chỉ có tiếng nói trong nội khối, mà còn cùng phối hợp với các nước đối tác, các nước trong và ngoài khu vực để vừa chung tay phòng chống đại dịch, vừa thúc đẩy các chương trình nghị sự của ASEAN, trong đó có phát triển kinh tế và phối hợp trong các vấn đề khu vực.
Nhìn lại cả chặng đường năm 2020, trong hoàn cảnh rất khó khăn, nhất là đại dịch khiến các nước không thể qua lại với nhau, Việt Nam bằng tất cả trách nhiệm, sự chủ động, đã duy trì và phát huy vai trò điều phối, vai trò chủ tịch của mình, đưa ra các sáng kiến góp phần thúc đẩy tiếng nói chung của ASEAN không chỉ về những vấn đề cấp bách như đại dịch, duy trì hoạt động kinh tế, mà còn trong những vấn đề nghị sự của năm 2020 như biến đổi khí hậu, liên kết ASEAN, hợp tác trong khu vực về các vấn đề Mekong, Biển Đông, phát huy vai trò trung tâm của ASEAN trong khu vực… và có sự phối hợp rất chặt chẽ trong khu vực và với các nước đối tác.
ASEAN chủ động ứng phó với tình huống mới
Nhiều sáng kiến đã được Việt Nam đưa ra trong Năm Chủ tịch ASEAN 2020 để “chủ động thích ứng”, điều chỉnh chương trình nghị sự và trọng tâm hợp tác của ASEAN trong bối cảnh dịch COVID-19. Theo ông, những sáng kiến trên đã mang lại hiệu quả như thế nào?
Ông Phạm Quang Vinh: Cá nhân tôi nhận thấy, Việt Nam đã có 3 loại sáng kiến nổi bật. Trước hết là sáng kiến ứng phó ngay với những tình huống khẩn cấp nảy sinh là đại dịch COVID-19 để làm sao bảo đảm được phục hồi kinh tế, bảo đảm được chuỗi cung ứng, bảo đảm được ASEAN phải hoạt động bình thường. Một sáng kiến quan trọng là khi ASEAN và bên ngoài phải cách ly xã hội, các nước không thể đi lại được với nhau, thì Việt Nam đã chủ động tiến hành các cuộc họp ASEAN bằng hình thức trực tuyến. Chính việc họp trực tuyến đã tạo ra một phương thức mới trong việc phối hợp nội khối, cũng như với các nước đối tác.
Hai là, chúng ta đưa vào chương trình nghị sự của ASEAN vấn đề cấp bách nhất bắt buộc phải xử lý, đó là thực hiện nhiệm vụ kép phòng chống đại dịch nhưng vẫn bảo đảm được các hoạt động kinh tế. Trong một năm khác biệt như vậy, Việt Nam đã chủ động tham vấn, phối hợp cùng các nước ASEAN triển khai các hoạt động bình thường bằng phương thức đặc biệt là trực tuyến. Chính điều này đã giúp ASEAN tiếp tục duy trì được sự phối hợp của mình, cũng như duy trì được tiếng nói của mình, đồng thời thực hiện được chương trình nghị sự đã đề ra trong năm 2020, nhìn lại việc xây dựng Cộng đồng ASEAN, thúc đẩy liên kết và hướng tới 2025, tăng cường quan hệ các đối tác, đồng thời định hình cho ASEAN không chỉ phát triển đến năm 2025 mà còn tiếp tục sau đó.
Ba là, ứng phó với những vấn đề nảy sinh trong khu vực như biến đổi khí hậu, thiên tai, bão lũ và nước biển dâng; vấn đề tiểu vùng Mekong đã được đặt lên bàn nghị sự trong việc kết nối xây dựng cộng đồng chung ASEAN, khép các tiểu vùng lại với nhau; vấn đề hòa bình, ổn định ở Biển Đông. Đặc biệt trong dịp kỷ niệm ASEAN (10/8/2020) vừa qua, chúng ta đã cùng các nước ASEAN ra tuyên bố về một Đông Nam Á hòa bình, ổn định và phát triển.
Trong Năm Chủ tịch ASEAN 2020, bằng những phương thức mới như vậy, bằng sự quyết liệt và chủ động của nước Chủ tịch, Việt Nam đã tạo cho ASEAN không bị động trong ứng phó với đại dịch, mà còn tiếp tục chủ động thực hiện những chương trình nghị sự đã đề ra, đồng thời đặt ra một số phương hướng mới cho ASEAN trong những năm tiếp theo.
ASEAN tăng cường đoàn kết và tiếng nói trước những vấn đề ảnh hưởng đến hòa bình và hợp tác khu vực
Xin ông cho biết định hướng phát triển của ASEAN những năm tiếp theo?
Ông Phạm Quang Vinh: Trước hết, ASEAN muốn phát triển thì phải thực hiện được những cam kết đã đề ra từ nay đến năm 2025. Năm nay là năm tiến hành kiểm điểm giữa kỳ thực hiện kế hoạch tổng thể Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025. Ngay từ đầu năm, Việt Nam đã cùng các nước ASEAN nhìn lại quá trình ASEAN đã thực hiện các tiêu chí và các chương trình nghị sự đề ra cho việc xây dựng cộng đồng trên cả 3 trụ cột. Về chính trị an ninh thì phải bảo đảm môi trường hòa bình ổn định. Về kinh tế thì phải bảo đảm liên kết kinh tế theo các chỉ tiêu ngày càng gắn kết với nhau. Về văn hóa-xã hội thì phải thúc đẩy bản sắc của ASEAN để ASEAN ngày một gắn kết và tạo ra phúc lợi cho người dân.
Ngoài ra, cùng lúc ASEAN phải phát huy vai trò trung tâm của mình. Trong giai đoạn hiện nay, ASEAN có những thuận lợi, nhưng đồng thời có những thách thức do môi trường quốc tế và khu vực đang biến đổi sâu sắc, đòi hỏi ASEAN phải bắt kịp với chủ đề “chủ động thích ứng” để phát triển. Bất cứ một nước nào, khu vực nào không nắm bắt kịp thì sẽ không thể tạo được đà phát triển trong thời gian tới. Đại dịch COVID-19 toàn cầu đã tạo ra những chuyển động mới trong khu vực và trên thế giới, khiến cho cạnh tranh giữa các nước lớn sâu sắc thêm, nhưng cũng cho thấy các nước cần phải điều chỉnh việc tiếp cận với những chuỗi cung ứng và tranh thủ những mặt thuận lợi để ứng phó với những mặt bất lợi.
Từ lâu nay, trong nhiều vấn đề không phải lúc nào các nước trong nội khối cũng hoàn toàn nhất trí với nhau. Tuy nhiên, với vai trò Chủ tịch ASEAN, Việt Nam đã cùng các nước ASEAN đưa ra rất nhiều sáng kiến, như việc ra đời Quỹ phòng chống đại dịch để có thể giúp đỡ lẫn nhau, cùng nhau hỗ trợ thiết bị y tế, thuốc men; xây dựng khung hợp tác để cùng nhau phục hồi kinh tế, phục hồi chuỗi cung ứng đang bị gián đoạn và đứt đoạn do đại dịch; tham vấn các vấn đề hòa bình, an ninh và phát triển trong khu vực… qua đó giúp tăng cường sự đoàn kết trong ASEAN, tạo sự đồng thuận để đưa vào chương trình nghị sự, tiếp tục phát triển.
Thưa ông, vai trò của Việt Nam trong việc thúc đẩy thực hiện Tầm nhìn cộng đồng ASEAN 2025 sẽ tiếp tục được thể hiện như thế nào trong thời gian tới, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh và môi trường quốc tế đang có nhiều thay đổi?
Ông Phạm Quang Vinh: Theo tôi, ASEAN và từng nước thành viên cần phải đánh giá lại, nhìn nhận lại cục diện quan hệ quốc tế, các mặt thuận lợi, cũng như khó khăn, trước mắt là làm thế nào kiểm soát tốt được đại dịch nhưng vẫn phục hồi được kinh tế. Ngoài ra, ASEAN đứng trước cạnh tranh giữa các nước lớn, đặc biệt là cạnh tranh Trung-Mỹ, cần làm sao để không phải chọn bên, không rơi vào bẫy cạnh tranh nước lớn, mà vẫn có tiếng nói của mình, một tiếng nói tích cực và xây dựng trên những vấn đề của khu vực để các nước lớn cũng phải lắng nghe.
Việt Nam với tư cách nước Chủ tịch ASEAN đã làm được điều này, từ đó ASEAN thực sự đoàn kết và có tiếng nói về những vấn đề quan trọng của khu vực. ASEAN phải chủ động xây dựng những mối quan hệ và tăng cường hợp tác với tất cả các nước, cho dù các nước cạnh tranh với nhau nhưng họ vẫn có những lợi ích vẫn mong muốn quan hệ với ASEAN trong đó có Việt Nam.
Bất cứ vấn đề gì nảy sinh trong khu vực này, từng quốc gia cũng như ASEAN đều phải dựa trên luật pháp quốc tế và lợi ích chung của khu vực. Do vậy, những vấn đề liên quan đến hợp tác vì lợi ích chung khu vực thì chúng ta cũng như ASEAN phải ủng hộ và phải tranh thủ sự hợp tác của các nước đối với liên kết ASEAN, đối với xây dựng Cộng đồng ASEAN, đối với việc tạo ra môi trường hòa bình ổn định. ASEAN và các nước trong ASEAN cần có tiếng nói khi có những vấn đề phức tạp nảy sinh, ảnh hưởng đến hòa bình và hợp tác trong khu vực, hay vấn đề Biển Đông với những hành vi xâm phạm vào vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của các quốc gia theo luật pháp quốc tế. Đối với những vấn đề này, không phải bây giờ ASEAN mới làm, nhưng càng lúc này, ASEAN càng cần phải đoàn kết để có tiếng nói chung của mình.
Trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động, ASEAN phải chủ động xây dựng chương trình nghị sự về những vấn đề cả cấp bách và những vấn đề ưu tiên, trọng tâm của ASEAN hướng tới phát triển lâu dài, để chia sẻ trong ASEAN cũng như với các đối tác, chung tay hợp tác.
ASEAN định vị và phát triển vai trò của mình trong và ngoài khu vực
Nhằm định hướng phát triển dài hạn cho Cộng đồng ASEAN sau 2025, Việt Nam đã đề xuất một sáng kiến quan trọng là khởi động trao đổi định hướng xây dựng Tầm nhìn ASEAN sau 2025. Theo ông, Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN sau 2025 cần đặt ra những mục tiêu gì?
Ông Phạm Quang Vinh: Chúng ta không chỉ nhìn vào vấn đề xây dựng ASEAN trong hiện tại, mà chúng ta đã đặt nền móng tham vấn để xây dựng Tầm nhìn ASEAN sau 2025. Tầm nhìn đó không chỉ kế thừa những gì đang thực hiện, tức là quá trình liên kết kinh tế ASEAN trên 2 trụ cột còn lại là chính trị-an ninh và văn hóa-xã hội, mà nó còn đặt ASEAN trong bối cảnh thế giới đang thay đổi, liên kết ASEAN phải được nâng lên một tầm mới. Nếu trước đây ASEAN chủ yếu tập trung vào tháo gỡ rào cản về thuế quan thì đến bây giờ, ASEAN phải nâng tầm và nâng chất lượng liên kết ở mức sâu hơn, liên kết chặt chẽ hơn.
Việc định hướng xây dựng Tầm nhìn ASEAN sau 2025, điều lớn nhất ASEAN cần làm là định vị mình đóng vai trò gì và làm thế nào để ngày càng phát huy vai trò đó. Hiện nay, trong khu vực này ASEAN được coi là có vai trò trung tâm và ASEAN đang cùng các nước xây dựng cấu trúc khu vực đang định hình. Tuy nhiên, trước những thay đổi của thế giới như hiện nay, tương tác giữa các nước lớn thể hiện mặt cạnh tranh nhiều hơn, thì chính ASEAN phải cải tiến cách thức làm việc của mình, duy trì được sự đoàn kết trong nội khối để vẫn bảo đảm rằng ASEAN là hạt nhân trong việc xây dựng cấu trúc khu vực này.
Trong nhiều năm qua, ASEAN là đại diện cho cả 10 nước Đông Nam Á. Ngoài ra, ASEAN đã kết nối được với các đối tác quan trọng trong và ngoài khu vực, thông qua đó cùng chia sẻ Tầm nhìn của ASEAN và chia sẻ những quy tắc ứng xử trong khu vực này. Đồng thời, ASEAN đã tạo ra được những chuỗi tiến trình khu vực để kết nối ASEAN và các nước trong và ngoài khu vực để cùng phục vụ mục tiêu hòa bình, ổn định và phát triển khu vực và thế giới. Không chỉ ASEAN mà có ASEAN+1, ASEAN+3, cấp cao Đông Á, Diễn đàn Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng… Điều đó tạo cho ASEAN có một vị trí trung tâm, và để phát huy được vị trí trung tâm đòi hỏi ASEAN phải thực sự đoàn kết, phải tham vấn sâu sắc với các nước đối tác, đồng thời phải dựa trên sự đồng thuận chung và dựa trên luật pháp quốc tế. Hơn bao giờ hết, ASEAN cần phát huy tiếng nói, vai trò của mình là hạt nhân trong cấu trúc khu vực này, để bảo đảm môi trường hòa bình, ổn định và hợp tác phát triển.
Lợi thế của ASEAN là được các nước thừa nhận vai trò trung tâm của mình, nhưng vai trò trung tâm đó không phải bỗng nhiên có được, mà ASEAN cần tiếp tục phát huy đoàn kết và vai trò chủ động của mình. Lợi thế nữa là ASEAN đã tạo được sự kết nối với hầu hết các đối tác quan trọng trong và ngoài khu vực, giúp ASEAN có những khung tham vấn, đồng thời có những thiết chế khu vực để hỗ trợ cho chương trình nghị sự và những hợp tác của ASEAN.
Theo ông, trong thời gian tới Việt Nam cần làm gì để góp phần thúc đẩy tiến trình xây dựng này?
Ông Phạm Quang Vinh: Từ khi Việt Nam tham gia ASEAN, chúng ta đã luôn luôn đặt ASEAN là một trong những ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại của mình, vì vậy những gì liên quan đến chương trình của ASEAN, chúng ta đã thực hiện rất tốt ở cấp quốc gia. Việt Nam coi trọng ASEAN, nhưng đồng thời tham gia đóng góp vào xây dựng ASEAN ngày càng phát triển và có tiếng nói quan trọng ở khu vực. Việt Nam rất ủng hộ và luôn thúc đẩy xây dựng đoàn kết của ASEAN. Trong quá trình đó, Việt Nam đã đưa ra rất nhiều sáng kiến để đưa ASEAN vươn lên một tầm mới không chỉ trong ASEAN và trong khu vực mà trong hợp tác ASEAN với các đối tác.
Không chỉ là quốc gia chủ động tích cực trong ASEAN, mà qua hơn 30 năm đổi mới, Việt Nam đã nâng tầm phát triển vị thế của mình, tăng cường hội nhập một cách sâu sắc hơn, cao hơn ở khu vực và trên thế giới. Điều đó thể hiện cả năng lực của Việt Nam trong hội nhập và vị thế của Việt Nam trong khu vực và quốc tế. Ngoài ra, Việt Nam có thể cùng các nước phát triển thúc đẩy liên kết ASEAN lên một tầm cao hơn.
Trước tình hình khu vực và thế giới có nhiều thay đổi, tác động sâu sắc đến hòa bình, ổn định và phát triển của khu vực, Việt Nam phải cùng các nước ASEAN xây dựng chương trình nghị sự của ASEAN phù hợp với những thay đổi đó, mà cốt lõi nhất là tăng cường đoàn kết trong ASEAN, liên kết chặt chẽ trong khu vực và liên kết với các đối tác. Điều quan trong nữa là Việt Nam phải cùng ASEAN nắm bắt thời cơ để đưa ASEAN phát triển cao hơn
Trân trọng cảm ơn ông!
Hồng Nguyên (thực hiện)
Nguồn tin: http://baochinhphu.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn