Thông tin liên hệ
- 0903 177 877
- hotro@xecung.com.vn
Tận dụng thế mạnh của đông y
TS Trương Thị Ngọc Lan, Phó Chủ tịch Hội Đông y TPHCM, Phó Viện trưởng Viện Y dược học dân tộc TPHCM chia sẻ, y học cổ truyền có quá trình nghiên cứu dịch bệnh từ rất lâu và rất kỹ. Đặc biệt, đã có trường phái chuyên nghiên cứu về dịch bệnh, gọi là “ôn bệnh”. Từ đó, người ta nhận thấy rằng, dịch bệnh cũng có những quy luật nhất định giống như quy luật về thời tiết… Chẳng hạn, những năm đông ấm, tức là mùa đông không lạnh, sẽ không làm những con ký chủ chết và nó sẽ mang mầm bệnh, sau đó gây bệnh và lây bệnh.
Đối với đặc điểm của bệnh COVID-19 như sốt ho, khó thở, ớn lạnh, nhức mỏi, đau đầu, đau họng... rất tương đồng với chứng ôn bệnh trong y học cổ truyền, trong đó có đặc điểm phục tà, tức là có những yếu tố gây bệnh tiềm tàng trong cơ thể con người. Khi sức khỏe suy yếu, thì lúc đó mới phát bệnh. Điều này thể hiện rõ thông qua thời gian ủ bệnh ban đầu của COVID-19. Thời gian cuối năm 2019, đầu năm 2020, trung bình sau khi mắc bệnh từ 7-14 ngày thì mới phát bệnh và có nguy cơ lây bệnh. Giai đoạn bệnh lúc này rất khác với dịch SARS năm 2003, người mắc bệnh SARS sẽ phát bệnh, sốt cao, ngay sau 1-2 ngày nhiễm bệnh.
Dựa trên các đặc điểm của bệnh COVID-19 như có thời gian lây bệnh trong lúc virus vẫn còn tiềm tàng trong cơ thể con người, khó phát sớm bệnh, hoặc bệnh sẽ trở nặng khi người mắc bệnh là người lớn tuổi, người có bệnh nền… Các bác sĩ y học cổ truyền đã nghiên cứu rất kỹ nhiều công trình, bài thuốc điều trị hỗ trợ.
TS Trương Thị Ngọc Lan cũng cho biết, tháng 3/2020, Bộ Y tế ban hành Quyết định 1374 về giới thiệu các giai đoạn cũng như các bài thuốc hỗ trợ điều trị COVID-19 kết hợp với y học hiện đại.
“Trong khoảng thời gian từ năm 2020 đến đầu năm 2021, dịch bệnh ở nước ta chỉ mang tính chất nhỏ lẻ từng khu vực, vì vậy chúng ta không cần đến ứng dụng này. Tuy nhiên, giai đoạn dịch bùng phát ở Bắc Giang với số ca mắc cao, chúng ta bắt đầu có sự kết hợp y học cổ truyền với y học hiện đại trong điều trị bệnh nhân COVID-19. Hiện nay, ở TPHCM cũng đang áp dụng sự kết hợp này”, TS Trương Thị Ngọc Lan cho biết.
Theo BS Nguyễn Thanh Tuyên, Phó Viện trưởng Viện Y dược dân tộc TPHCM kiêm Giám đốc BV Dã chiến số 1 của quận Phú Nhuận, BV Dã chiến số 1 của quận Phú Nhuận mới đi vào hoạt động 1 tuần, với quy mô 350 giường, trong đó có 65 giường dành cho bệnh nhân nặng. Hiện BV đã tiếp nhận gần 300 bệnh nhân. Tất cả bệnh nhân này đang điều trị ở tầng thứ 2, tức là bệnh nhân có bệnh lý nền. Hệ thống trang thiết bị và hệ thống oxy trung tâm hiện nay của BV đang hoạt động tốt. Riêng lực lượng cán bộ y tế của Viện Y dược dân tộc TPHCM tham gia điều trị cho bệnh nhân tại BV này là 185 người.
BS Nguyễn Thanh Tuyên chia sẻ, vấn đề điều trị cho bệnh nhân COVID-19, dù là bác sĩ đông y hay bác sĩ y học hiện đại đều phải dựa vào phác đồ hướng dẫn điều trị bệnh nhân COVID-19 của Bộ Y tế.
Song song với đó, để giúp người bệnh nhanh chóng phục hồi sức khỏe, chúng ta cần tận dụng thế mạnh của y học cổ truyền, thông qua những sản phẩm của đông y, những bài tập thể dục, nhằm nâng cao sức khỏe, sức đề kháng cho người bệnh.
“Trong công tác điều trị bệnh nhân COVID-19, quan trọng nhất là phải theo dõi và xử trí kịp thời biến chứng, đặc biệt là biến chứng về suy hô hấp. Đây là nguy cơ cao nhất đối với người bệnh. Tùy vào giai đoạn bệnh, mức độ bệnh, chúng ta có thể sử dụng các phương pháp dùng thuốc hoặc không dùng thuốc của đông y để kết hợp điều trị và chăm sóc cho bệnh nhân mau chóng hồi phục”, BS Nguyễn Thanh Tuyên cho biết.
Theo PGS.TS Đậu Xuân Cảnh, Chủ tịch Hội Đông y Việt Nam, báo cáo của Bệnh viện Y học cổ truyền, Bộ Công an cho kết quả rất khả quan khi kết hợp đông y và y học hiện đại trong điều trị bệnh nhân COVID-19 ở Bắc Giang vừa qua. Các trường hợp F0 không triệu chứng, có triệu chứng mức độ nhẹ và vừa, khi được kết hợp điều trị đông y và y học hiện đại, thời gian khỏi bệnh sớm hơn 5 ngày. Đặc biệt, tỉ lệ bệnh nhân diễn biến nặng rất thấp.
“Chính vì vậy, ở thời điểm này, khi dịch bệnh đang diễn biến phức tạp như tại TPHCM và một số tỉnh, thành phía nam, chúng tôi thấy nghĩa vụ của bác sĩ y học cổ truyền cần phải có hỗ trợ đối với điều trị những bệnh nhân COVID-19”, PGS.TS Đậu Xuân Cảnh cho biết.
Hỗ trợ điều trị nhiều bệnh nhân COVID-19 tại TPHCM
TS Trương Thị Ngọc Lan cũng cho biết, điểm khác biệt lớn nhất của y học cổ truyền với y học hiện đại, đó là y học cổ truyền tập trung nâng cao thể trạng, nâng cao đề kháng của cơ thể nên thuốc bổ sẽ là chính. Còn y học hiện đại là điều trị triệu chứng, các bệnh nhân nặng phải thở oxy…
Với tình hình dịch như hiện nay tại TPHCM, việc kết hợp đông y trong hỗ trợ điều trị bệnh nhân mắc COVID-19 không triệu chứng, hoặc có triệu chứng nhẹ và vừa sẽ không chỉ giúp bệnh nhân nâng cao thể trạng sức khỏe mà còn là chỗ dựa tâm lý cho người bệnh, để người bệnh biết rằng, họ vẫn đang được chăm sóc y tế tốt nhất.
Hiện nay, Hội Đông y TPHCM đã triển khai nhiều hoạt động như thực hiện các đoạn video tập dưỡng sinh, video tự xoa bóp, thư giãn, phát các cẩm nang, tờ rơi tới người dân. Đặc biệt, Hội Đông y TPHCM và Viện Y dược học dân tộc TPHCM đã chuẩn bị một số lượng sản phẩm y học cổ truyền rất lớn để phục vụ người bệnh F0 tại nhà.
“Chúng tôi đã chuẩn bị 100.000 phần hỗ trợ miễn phí, bao gồm các sản phẩm đông y để hỗ trợ điều trị cho những bệnh nhân F0 tại nhà ở tất cả các quận, huyện của TPHCM”, TS Trương Thị Ngọc Lan cho biết.
Song song với đó, Viện Y dược học dân tộc TPHCM cũng đang thực hiện áp dụng các sản phẩm đông y đối với các bệnh nhân F0 điều trị tại một số cơ sở, như hỗ trợ sản phẩm hỗ trợ điều trị bệnh nhân tại khu cách ly do Viện Y dược học dân tộc TPHCM quản lý tại số 3B Lê Quý Đôn.
Viện Y dược học dân tộc TPHCM cũng đang sử dụng các sản phẩm đông y đối với bệnh nhân đang điều trị tại Bệnh viện dã chiến số 1 của quận Phú Nhuận, TPHCM. Những ghi nhận đầu tiên cho thấy, người sử dụng cảm thấy đỡ mệt, cũng như đỡ triệu chứng như ho...
Với biến chủng Delta, gần đây, Viện Y dược học dân tộc TPHCM có kết hợp các loại sản phẩm để khu tà, tức là có tác dụng hỗ trợ diệt virus bằng y học cổ truyền. Cụ thể, như sản phẩm Xuyên tâm liên kết hợp với phù chính, tức là vừa nâng sức khỏe vừa diệt virus.
Bên cạnh đó, rất nhiều sản phẩm y học cổ truyền đa dạng khác được sử dụng như nước rửa tay, nước xúc miệng, xịt họng, thuốc uống…để phục vụ cho nhiều đối tượng trong hỗ trợ điều trị F0.
Cụ thể, Viện Y dược học dân tộc TPHCM sử dụng các loại thuốc chữa triệu chứng về ho, thuốc có tác dụng an thần, thuốc dùng cho bệnh nhân có nguy cơ bị đông máu (các bác sĩ sẽ theo dõi và bắt đầu dùng thuốc khi bệnh nhân có triệu chứng đau ngực hoặc có các triệu chứng sau ngày thứ 5, 6 mắc bệnh vì đây là thời gian thường ghi nhận sức khỏe của bệnh nhân có thể tiến triển nặng).
“Với tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp như hiện nay, chúng tôi đã nhận được rất nhiều sự hỗ trợ, giúp đỡ về vật tư, trang thiết bị y tế, dược liệu… của hệ thống các bệnh viện y học cổ truyền trên cả nước như Sơn La, Thái Nguyên, Quảng Ninh… Nhiều bác sĩ y học cổ truyền cũng đã vào TPHCM tham gia hỗ trợ điều trị bệnh nhân COVID-19, để hỗ trợ người dân TPHCM trong giai đoạn khó khăn này”, BS Nguyễn Thanh Tuyên chia sẻ.
PGS.TS Đậu Xuân Cảnh cũng cho biết, khi tình hình dịch diễn biến phức tạp, Hội Đông y Việt Nam đã tổ chức các Hội nghị Ban chấp hành toàn quốc phiên bất thường, các hội thảo khoa học, nhằm đề xuất các phương pháp, phương thuốc và bài thuốc có hiệu quả để tham gia triển khai phòng chống dịch bệnh.
Đây là căn bệnh rất mới, vì vậy việc kết hợp đông y và tây y trong điều trị bệnh nhân là cần thiết. Hơn nữa, với truyền thống chăm sóc và bảo vệ sức khỏe người dân bằng y học cổ truyền, cùng kinh nghiệm phòng chống dịch bệnh trong quá khứ cũng đã bước đầu phát huy hiệu quả ban đầu trong chăm sóc bảo vệ sức khỏe bệnh nhân COVID-19 ở các bệnh viện dã chiến tại Bắc Giang.
Hiện nay, hàng nghìn thầy thuốc Đông y vẫn đang ngày đêm ở vùng trung tâm dịch như TPHCM, tỉnh Bình Dương và các tỉnh khác chăm sóc bệnh nhân tại các bệnh viện dã chiến, khu cách ly tập trung cũng như tại nhà bệnh nhân.
Hiền Minh
Nguồn tin: http://baochinhphu.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn