Thông tin liên hệ
- 0903 177 877
- hotro@xecung.com.vn
Đề án “Thu phí phương tiện cơ giới đường bộ vào một số khu vực trên địa bàn Thành phố có nguy cơ ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường”, UBND Thành phố đã tổ chức họp và cho ý kiến lần 1 vào tháng 11/2020 và lần 2 vào tháng 10/2021, trên cơ sở đó sẽ hoàn thiện để trình HĐND Thành phố vào thời điểm phù hợp. Theo đó, dự kiến sẽ lập khoảng 100 trạm thu phí tự động ô tô vào nội đô Hà Nội tại các cửa ngõ ra vào trung tâm thành phố.
Theo TS Khương Kim Tạo, nguyên phó Chánh Văn phòng Uỷ ban An toàn Giao thông Quốc gia, việc thu phí xe vào nội đô để giảm ùn tắc giao thông cũng là một giải pháp.
Nhưng để thực hiện được phải nhìn nhận có nhiều khó khăn đang đặt ra. Trước hết, giao thông công cộng phải đảm bảo tối thiểu để mọi người chọn đó là giải pháp thay thế việc đi xe cá nhân. Trong khi đó, giao thông công cộng thực tế còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu đi lại của mọi người.
Theo TS Khương Kim Tạo, khi giao thông công cộng chưa thuận tiện, người ta sẽ vẫn phải sử dụng phương tiện cá nhân. Nhưng cũng không phải ai cũng sẵn sàng hay có điều kiện để nộp phí, ví dụ như công nhân, viên chức, họ chỉ có thu nhập là lương, giờ phải trả phí cũng khó. Khi đó người ta sẽ có hiện tượng “lách” nộp phí bằng cách tránh các cung đường lớn có trạm thu phí, tìm đến các đường nhỏ, làm gia tăng việc ùn tắc ở các cung đường này.
Cùng với đó, nhiều người "có điều kiện" hơn thì sẽ tìm cách mua nhà vào phía trong vành đai để tránh việc phải trả phí thường xuyên, lâu dài. Như thế lại xảy ra hiện tượng người dân tập trung vào phía trong vành đai, càng tăng thêm ùn tắc trong nội đô. Trong khi mong muốn của chúng ta là giãn dân ra các khu vực ngoại thành.
Theo TS Khương Kim Tạo, một thực tế nữa cũng phải nhìn nhận là ùn tắc bây giờ không chỉ diễn ra ở trong mà còn ở ngoài trung tâm thành phố. Vậy thu phí vào nội đô cũng cần tính toán đến vấn đề này.
Theo TS Khương Kim Tạo, đây là một chủ trương đúng, nhưng khi thực hiện phải tính toán và nhìn nhận thấu đáo khó khăn có thể xảy ra.
“Trước hết, chúng ta nên có khảo sát thí điểm sau đó có đánh giá hiệu quả mới thực hiện mở rộng. Chẳng hạn, giờ hai đường đang ùn tắc nặng là Lê Văn Lương và Nguyễn Trãi. Chúng ta thu thu phí 2 đường này rồi tính tỷ lệ ra toàn thành phố xem thế nào, mức độ tắc như thế nào”- TS Khương Kim Tạo nói.
TS Khương Kim Tạo cho rằng, để việc khảo sát được chính xác, không nên thực hiện bằng bảng hỏi hay hỏi-đáp như thường làm, bây giờ là thời đại công nghệ 4.0, nên áp dụng công nghệ để tăng tính chính xác. Đó là việc gắn vào một số lượng xe nhất định thiết bị theo dõi để khảo sát, xem mức độ di chuyển của phương tiện trong một ngày như thế nào, thu phí với không thu phí thì thời gian di chuyển của họ thay đổi ra sao… trên cơ sở đó mới có thể đánh giá khoa học hiệu quả của việc thu phí.
Cùng với đó, thực hiện ráo riết việc chuyển đổi số ở các lĩnh vực khác để giảm việc đi lại của người dân. Ví dụ nhiều việc trước đây phải đến tận nơi thì giờ có thể thực hiện online.
“Cũng nên tuyên truyền để người dân tiếp cận nhiều hơn với công nghệ, họ sẽ thay thế dần việc đi lại thật bằng đi “ảo”, chẳng hạn gặp nhau nhất thiết không phải lúc nào phải trực tiếp, mà có thể gặp trên mạng. Công việc cần nộp giấy tờ thì thông qua mạng để giảm cường độ đi lại của nhân dân”- TS Khương Kim Tạo gợi ý.
Nguồn tin: https://soha.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Chúng tôi sẽ liên hệ lại trong thời gian sớm nhất để hỗ trợ bạn!