Thông tin liên hệ
- 0903 177 877
- hotro@xecung.com.vn
Su-33 'Flanker-D' là máy bay chiến đấu đa nhiệm một chỗ ngồi, trang bị động cơ đốt sau AL-31F. Nó có tốc độ tối đa 2.300 km/h, tầm hoạt động 3.000km, trần bay 17.000m.
Được cải tiến từ phiên bản Su-27 triển khai từ các căn cứ trên đất liền, Su-33 có thiết kế đặc biệt để có thể hoạt động trên tàu Đô đốc Kuznetsov - tàu sân bay duy nhất của Nga.
Theo nhà phân tích Alex Betley trên trang tin 19fortyfive, mặc dù có bề ngoài tương tự Su-27 nhưng Su-33 Flanker-D có nhiều điểm khác biệt, như ở gầm máy bay, càng đáp, cánh và động cơ. Những bộ phận này được điều chỉnh để máy bay có thể sử dụng đường băng ngắn trên tàu sân bay.
Tiêm kích Su-33 của Nga. Ảnh: Bộ Quốc phòng Nga
Về vũ khí, Su-33 trang bị pháo Gsh-30-1 30 mm và trên lý thuyết, nó có thể mang nhiều loại vũ khí ở giá treo ngoài, như các tên lửa không-đối-không R-27R1(ER1), R-27T1(ET1) và R-73E, tên lửa không dẫn đường S-8KOM, S-8OM, S-8BM S-13T, S-13OF và S-25-OFM-PU, tên lửa dẫn đường Kh-25MP, Kh-31 và Kh-41, bom chùm RBK-500 và các pod đối kháng điện tử.
Tuy nhiên, thực tế thì Su-33 đã không thể mang được một số loại vũ khí thuộc hàng quan trọng nhất (đặc biệt là các vũ khí phục vụ tác chiến không-đối-đất). Điều đó đã khiến mẫu máy bay này gây thất vọng.
Cũng chính vì nhược điểm trên mà mặc dù được gắn nhãn là máy bay chiến đấu đa nhiệm nhưng Su-33 trên thực tế chỉ là chiến đấu cơ chiếm ưu thế trên không.
Mặc dù Su-33 được sử dụng khá hạn chế nhưng những lần được triển khai, nó lại rơi vào tình cảnh rất bi thảm.
Kể từ khi được đưa vào biên chế quân đội Nga năm 1999, đã có ít nhất 3 chiếc Su-33 thiệt hại trong các vụ tai nạn, trong đó có một chiếc gặp nạn tại triển lãm hàng không năm 2001 tại Nga. Việc tích hợp mẫu máy bay này với tàu sân bay Đô đốc Kuznetsov [mục đích duy nhất khi nó được thiết kế] cũng gặp nhiều thách thức.
Máy bay chiến đấu Su-33 trên Tàu sân bay Đô đốc Kuznetsov của Nga. Ảnh: Wiki
Khi tàu Kuznetsov được triển khai tới Địa Trung Hải để tăng cường yểm trợ cho lực lượng của Tổng thống Syria Bashar al-Assad, một chiếc Su-33 trên tàu đã gặp nạn trong quá trình hạ cánh, khiến quân đội Nga phải di chuyển toàn bộ phi đội vào đất liền.
Chính vì những khó khăn này, Hải quân Nga đã quyết định thay thế khoảng 30-35 chiếc Su-33 đang triển khai bằng các tiêm kích MiG-29K. Mặc dù MiG-29K có tầm hoạt động ngắn hơn và không cơ động bằng Su-33 nhưng chúng lại có khả năng tấn công mặt đất cao hơn, mang được đa dạng các loại tên lửa tầm xa và bom dẫn đường.
Tiêm kích MiG-29K. Nguồn: Combataicraft
MiG-29K cũng mang theo các pod đối kháng điện tử và có hệ thống radar tương đối tinh vi hơn so với Su-33 để hỗ trợ khả năng tấn công các mục tiêu mặt đất.
Ngoài ra, MiG có kích cỡ nhỏ gọn hơn và nhẹ hơn nên nó cũng thích hợp hơn khi được triển khai hoạt động trên tàu sân bay. Mẫu máy bay này còn có chi phí sản xuất và bảo dưỡng thấp hơn so với Su-33.
Trước đây đã có một số cuộc thảo luận xung quanh tiềm năng xuất khẩu Su-33, đầu tiên là sang Trung Quốc, sau đó là Ấn Độ. Đây là hai quốc gia đều đang vận hành các tàu sân bay từ thời Liên Xô được tân trang.
Tuy nhiên, các cuộc đàm phán với Trung Quốc đã đổ vỡ khi Bắc Kinh cuối cùng đã lựa chọn mẫu tiêm kích J-15 [một bản sao của Su-33] - sản phẩm của tập đoàn chế tạo máy bay nội địa Thẩm Dương.
Tiêm kích hạm J-15 của Trung Quốc. Ảnh: Navy.81.cn
Trong khi đó, Ấn Độ đã có bước đi tương tự như Nga khi quyết định lựa chọn các tiêm kích MiG-29K cho tàu sân bay của mình.
Theo nhà phân tích Betley, mặc dù có một số thông tin cho rằng phi đội Su-33 của Nga đang được nâng cấp nhưng thật khó để biết chắc chắn về tương lai của mẫu máy bay này. Với các vấn đề liên tục của tàu Kuznetsov và sự hiện diện của MiG-29K, có thể Su-33 sẽ bị loại bỏ hoàn toàn.
Nguồn tin: https://soha.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn