Thông tin liên hệ
- 0903 177 877
- hotro@xecung.com.vn
Nguyên tắc phát triển bền vững phải đảm bảo sử dụng đúng mức và ổn định các nguồn tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ được môi trường sống. Đó không chỉ là sự phát triển nền kinh tế, văn hoá, xã hội một cách vững chắc nhờ khoa học công nghệ tiên tiến mà còn đảm bảo ổn định và cải thiện những điều kiện tự nhiên mà con người đang sống trong đó và chính sự phát triển đang dựa vào đó để ổn định bền vững.
Tại nhiều quốc gia, tỉ lệ che phủ của rừng chính là một chỉ tiêu an ninh môi trường quan trọng. Nhận thức được tầm quan trọng của rừng trong việc phát triển kinh tế cũng như bảo vệ môi trường, Việt Nam đã có nhiều nỗ lực nhằm quản lý tài nguyên rừng theo hướng bền vững dần dần thay thế cho phương thức quản lý rừng thiên về lợi dụng tài nguyên rừng như trước đây.
Theo Tổng cục Lâm nghiệp, để phát triển rừng bền vững, trong thời gian qua hoạt động thu phí và chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng trong cả nước đang được triển khai rộng rãi và mang lại nhiều kết quả tích cực. Công tác bảo vệ rừng đã được nâng cao, đời sống của người dân được cải thiện. Ngành Lâm nghiệp đang tiếp tục tổ chức nghiên cứu, xây dựng kế hoạch triển khai dịch vụ hấp thụ và lưu giữ carbon đối với các tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất, kinh doanh gây phát thải khí nhà kính lớn ngay khi quyết định thí điểm của Thủ tướng Chính phủ được ban hành.
Hà Nội hiện có 11.007,57ha rừng đặc dụng, 5.821,9ha rừng phòng hộ, 10.332,57ha rừng sản xuất và diện tích đất lâm nghiệp chưa thành rừng là 7.538,24ha, phân bố ở 7 huyện, thị xã (Ba Vì, Thạch Thất, Quốc Oai, Chương Mỹ, Mỹ Đức, Sóc Sơn và Sơn Tây). Theo Chi cục Kiểm lâm Hà Nội cho biết, những năm gần đây, công tác bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn toàn thành phố Hà Nội đã được các cấp, ngành, địa phương quan tâm thực hiện quyết liệt. Thành phố cơ bản khắc phục được những tồn tại trong công tác quản lý đất rừng, đất lâm nghiệp... nên không xảy ra tình trạng "mất" rừng.
Để nâng cao chất lượng rừng, thúc đẩy phát triển kinh tế lâm nghiệp bền vững, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội đã đặt ra mục tiêu trong giai đoạn 2021-2025 nâng độ che phủ rừng từ 5,67% hiện nay lên 6,2%; nâng mức thu nhập trên đất lâm nghiệp từ 15 triệu đồng/ha/năm lên 40-60 triệu đồng/ ha/năm vào năm 2025... Trên cơ sở thực tế 3 loại rừng (rừng phòng hộ, rừng đặc dụng và rừng sản xuất), thành phố sẽ có định hướng và cơ chế chính sách làm giàu rừng khác nhau.
Thời gian tới, bên cạnh việc phối hợp với các cơ quan chức năng tăng cường tuyên truyền về quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, ngành Nông nghiệp sẽ tham mưu thành phố Hà Nội có chính sách hỗ trợ về trồng rừng như hỗ trợ 100% vốn giống đối với cây lâm nghiệp lâu năm; hỗ trợ khoa học kỹ thuật; hỗ trợ mỗi địa phương xây dựng 1-2 mô hình trồng và làm giàu rừng hiệu quả làm cơ sở để nhân rộng.
Đồng thời, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội sẽ phối hợp với các sở, ngành liên quan thiết lập hồ sơ quản lý bảo vệ rừng, đất lâm nghiệp từ cơ sở đến thành phố, cụ thể đến từng lô, khoảnh; xác định rõ ranh giới trên bản đồ cũng như ngoài thực địa.
Trong những năm qua, công tác bảo vệ và phát triển rừng đã được các cấp, các ngành tỉnh Bắc Giang quan tâm chỉ đạo. Các tổ chức, các hộ gia đình đã đầu tư bảo vệ, trồng rừng trên diện tích được giao nhờ đó độ che phủ của rừng được nâng lên 37,1%. Toàn tỉnh Bắc Giang có tổng diện tích 153.739 ha đất lâm nghiệp. Trong đó rừng đặc dụng 13.303 ha (8,6%); rừng phòng hộ 20.708 ha (13,5%); rừng sản xuất 119.728 ha (77,9%), nâng độ che phủ của rừng đến năm 2020 là 38%.
Trong thời gian tới, tỉnh Bắc Giang tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, nâng cao nhận thức về bảo vệ, phát triển rừng trong nhân dân cùng với việc tiếp tục thực hiện củng cố hệ thống tổ chức quản lý gắn với tăng cường bảo vệ tài nguyên rừng, đất lâm nghiệp; rà soát đất rừng phòng hộ đầu nguồn ít sung yếu chuyển sang quy hoạch phát triển rừng sản xuất.
Cụ thể hóa, đề xuất một số chính sách hỗ trợ cho lâm nghiệp. Tăng cường thu hút các doanh nghiệp có tiềm lực đầu tư vào lâm nghiệp, nhất là đầu tư các nhà máy chế biến sâu với công nghệ hiện đại; đẩy mạnh nghiên cứu thị trường, xúc tiến thương mại nhằm hỗ trợ tìm kiếm mở rộng thị trường tiêu thụ lâm sản; tăng cường sự liên kết chặt chẽ giữa các hộ gia đình, doanh nghiệp và nhà chế biến; khuyến khích mở rộng các hình thức liên doanh liên kết giữa nhà đầu tư có tiềm lực về kỹ thuật, tài chính và chế biến, tiêu thụ với các chủ rừng là công ty lâm nghiệp, các Ban quản lý rừng có quỹ đất trồng rừng sản xuất, các hộ gia đình...
Đề án phát triển rừng bền vững giai đoạn 2020 – 2025 và định hướng đến năm 2030 của tỉnh Cao Bằng xác định mục tiêu, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng bền vững cả về kinh tế, xã hội và môi trường; quản lý, bảo vệ và sử dụng có hiệu quả, đảm bảo quy định của pháp luật diện tích rừng hiện có, đặc biệt là rừng tự nhiên, rừng đặc dụng, rừng phòng hộ; bảo tồn đa dạng sinh học và các giá trị dịch vụ môi trường rừng gắn với bảo vệ môi trường sinh thái.
Đồng thời, thu hút các doanh nghiệp tham gia đầu tư phát triển rừng gắn với chế biến và thương mại lâm sản, du lịch sinh thái và từng bước gia tăng giá trị ngành lâm nghiệp trong tổng giá trị sản phẩm ngành nông nghiệp; tạo việc làm, giảm nghèo, cải thiện sinh kế cho người dân làm nghề rừng gắn với xây dựng nông thôn mới, góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh, giữ vững chủ quyền biên giới quốc gia...
Minh Anh
Nguồn tin: http://baochinhphu.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn