Thông tin liên hệ
- 0903 177 877
- hotro@xecung.com.vn
Tính đến ngày 8/6, TP. Đà Nẵng đã trải qua 20 ngày không ghi nhận ca COVID-19 mới trong cộng đồng, là dấu hiệu tích cực cho thấy tình hình dịch bệnh đã được kiểm soát. Tuy nhiên, do tình hình COVID-19 trên cả nước vẫn còn phức tạp, số ca nhiễm mới tiếp tục tăng nên nguy cơ vẫn còn thường trực.
Tại cuộc họp với Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 thành phố chiều 7/6, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng cho biết, việc cho phép mở của một số hoạt động, dịch vụ là phù hợp; yêu cầu việc nới lỏng một số hoạt động, dịch vụ phải trên cơ sở kiểm soát chặt dịch bệnh xâm nhập từ bên ngoài, kiểm soát các khu vực có nguy cơ cao. Đồng thời tiếp tục phát huy tốt vai trò của các Tổ Công tác COVID-19 cộng đồng trong việc tuyên truyền, kiểm soát dịch bệnh, kèm với đó là các hoạt động kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm. Các địa phương, sở, ban, ngành không chủ quan trong việc thực hiện các nhiệm vụ được giao, bởi càng nới lỏng thì nguy cơ càng cao.
Về một số nhiệm vụ liên quan, lãnh đạo Thành ủy đề nghị ngành y tế chủ động xây dựng kế hoạch xét nghiệm ngoài cộng đồng theo định kỳ; ngành giáo dục chuẩn bị kỹ lưỡng cho kỳ thi vào lớp 10 sắp tới.
Theo ông Phan Văn Sơn, Phó Chánh Văn phòng UBND Thành phố, trên cơ sở đánh giá tình hình dịch bệnh, đơn vị đề xuất kể từ ngày 9/6 sẽ cho phép một số hoạt động được hoạt động trở lại sau 21 ngày Thành phố không có ca nhiễm trong cộng đồng như tắm biển, bán đồ ăn, uống tại chỗ, hoạt động thể thao ngoài trời…
Tại tỉnh Quảng Ngãi, qua hơn 1 tháng, trên địa bàn tỉnh chưa ghi nhận ca mắc mới. Sáng nay (8/6), ông Đặng Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi cho biết, thời gian qua, tỉnh đã đề ra các biện pháp phòng chống dịch kịp thời, nên đã kiểm soát tốt dịch bệnh COVID-19.
Thời gian tới, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi giao Sở Y tế tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các biện pháp phòng, chống dịch bệnh COVID-19 sát với tình hình thực tế tại tỉnh trong trạng thái “bình thường mới”, với phương châm “vừa chống dịch tốt, vừa phục vụ cho phát triển kinh tế”. Trong đó lưu ý tạo điều kiện thông thoáng hơn trong hoạt động sản xuất kinh doanh để phục vụ phát triển kinh tế- xã hội do hiện nay trong phạm vi toàn tỉnh đã kiểm soát tốt dịch bệnh.
Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, tình trạng nhiễm dịch trong cộng đồng chưa kiểm soát được, cho nên cần phải kiểm soát chặt từ bên ngoài vào theo phương châm “nới bên trong, kiểm soát chặt bên ngoài”.
Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu, tiếp tục tạm dừng các hoạt động kinh doanh không thiết yếu như karoke, vũ trường, dịch vụ massage, quán bar, quán game,… Chưa cho phép khách nước ngoài, người dân ngoài tỉnh đi du lịch ra đảo Lý Sơn. Đồng thời, tiếp tục kiểm soát, thực hiện cách ly tập trung đối với tất cả các công dân từ vùng dịch được công bố giãn cách theo Chỉ thị 16 ở TPHCM và những người sống trong vùng dịch có công bố ca F0 ở TPHCM về Quảng Ngãi. Xử lý nghiêm và thực hiện cách ly tập trung đối với tài xế các phương tiện vận tải hành khách cố tình chở người từ TPHCM về Quảng Ngãi.
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi cũng yêu cầu các địa phương tổ chức kiểm soát tốt công dân trở về từ TPHCM, tuyên truyền, vận động người dân giám sát đối với những trường hợp về từ TPHCM mà không tự giác khai báo y tế và cách ly theo quy định báo cáo chính quyền địa phương và cơ sở y tế cho thực hiện cách ly và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Tỉnh Quảng Trị cũng đã qua 28 ngày không phát hiện thêm ca bệnh mới trong cộng đồng, tình hình dịch bệnh trên địa bàn cơ bản được kiểm soát.
Để tiếp tục thực hiện hiệu quả “mục tiêu kép” vừa phòng chống dịch để bảo vệ sức khỏe nhân dân, vừa phục hồi và phát triển kinh tế xã hội, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Hoàng Nam vừa có văn bản yêu cầu các địa phương, đơn vị trên địa bàn tỉnh tăng cường công tác thông tin tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng; đẩy mạnh áp dụng công nghệ thông tin vào hoạt động khai báo y tế.
Theo đó, tất cả người dân đến và trở về Quảng Trị bắt đầu từ ngày 10/6 đều phải khai báo y tế trên phần mềm khai báo y tế điện tử của tỉnh và trên Bluezone, trong đó khai báo y tế trên phần mềm của tỉnh là bắt buộc; xử lý nghiêm đối với những trường hợp không khai báo hoặc khai báo không trung thực.
Cùng với đó triển khai đầu tư cơ sở hạ tầng bán kiên cố cho 3 chốt kiểm tra y tế tại cửa ngõ ra vào tỉnh thuộc các huyện Vĩnh Linh, Hải Lăng. Giao UBND các huyện, thị xã, thành phố và Sở Y tế đẩy nhanh tiến độ phê duyệt các phương án phòng, chống dịch bệnh ở các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất – kinh doanh trong các khu công nghiệp, khu kinh tế.
Phó Chủ tịch Hoàng Nam cũng đề nghị các ngành phối hợp với Sở Y tế đảm bảo kế hoạch tiêm vaccine phòng COVID-19 đợt 2 đúng đối tượng, công khai, minh bạch, an toàn, hiệu quả. Sở Giao thông vận tải tăng cường kiểm tra các hoạt động vận chuyển hành khách đến và trở về từ các địa phương có dịch. Công an tỉnh tăng cường kiểm tra, xử phạt các trường hợp vi phạm quy định phòng, chống COVID-19.
Minh Trang
Nguồn tin: http://baochinhphu.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn