Thông tin liên hệ
- 0903 177 877
- hotro@xecung.com.vn
LIÊN TỤC CẬP NHẬT...
* Clip: Phó Thủ tướng chỉ đạo tìm kiếm 53 người mất tích tại Nam Trà My
* Clip: Phó Thủ tướng trực tiếp chỉ đạo trên tuyến đường vào xã Trà Leng
Lúc 13h chiều nay 29/10, điểm sạt lở cuối cùng tại km81, quốc lộ 40B đã được thông tuyến giúp lực lượng cứu nạn của Quân khu 5 với 200 cán bộ chiến sĩ có thể đi vào hiện trường.
Lực lượng tiếp cận sớm nhất gồm 20 cán bộ chiến sĩ công binh, quân y mang theo thùng cứu thương vào để cấp cứu các trường hợp bị thương. Có 4 trường hợp bị thương nặng được đưa ra trước.
Theo Thượng tá Hà Ra Diêu - Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự huyện Nam Trà My, tính đến đầu giờ chiều nay đã cứu được 33 người, 16 người bị thương, trong đó có 8 người bị thương nặng; tìm thấy 6 thi thể, còn 13 người chưa tìm thấy.
Những người may mắn sống là do được nước bùn đẩy dồn về chân núi, sau đó trồi lên trên lớp đất nên thoát chết.
Sáng 29/10, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng có mặt tại Quảng Nam, chỉ đạo tìm kiếm cứu nạn trong các vụ sạt lở gây hậu quả nghiêm trọng khiến hàng chục người mất tích. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã gọi điện trao đổi, gửi lời động viên đến lực lượng cứu nạn, yêu cầu tập trung tất cả khả năng để có thể tìm kiếm các nạn nhân mất tích.
Tính đến chiều ngày 29/10, lực lượng chức năng đã tìm thấy 16 thi thể trong hai vụ sạt lở nghiêm trọng khiến 53 người mất tích tại huyện Nam Trà My (Quảng Nam), trong đó, có 8 nạn nhân là người ở xã Trà Vân và 8 nạn nhân ở xã Trà Leng. Lực lượng tại chỗ cùng tìm thấy 3 thi thể trong vụ sạt lở vùi lấp 11 người tại xã Phước Lộc, huyện Phước Sơn.
Danh tính 8 nạn nhân tử vong tại xã Trà Vân (theo báo Quảng Nam):
1. Đinh Văn Thiều, SN 1993;
2. Vũ Thị Kim Hồng, SN 1990;
3. Đinh Thị Thiên Ân, SN 2020;
4. Đinh Thị Mai Hương, SN 2016;
5. Vũ Văn Nam, SN 1983;
6. Vũ Thị Nhung, SN 2008;
7. Vũ Thị Thảo, SN 2010;
8. Vũ Ngọc Trãi, SN 2013.
* Tại Kon Tum, ngày 29/10, lãnh đạo UBND tỉnh ùng chính quyền huyện Kon Rẫy và lực lượng chức năng trong tỉnh đã đến hiện trường vụ cầu treo nối huyện Kon Rẫy với xã Đăk Pne bị cuốn trôi do ảnh hưởng của bão số 9, khiến gần 1.500 người dân (438 hộ) trong xã Đăk Pne bị cô lập hoàn toàn.
12h ngày 29/10: Thêm điểm sạt lở mới, 11 người bị vùi lấp
Trong khi đó, thông tin từ lãnh đạo UBND huyện Phước Sơn, sáng nay 29/10, tại thôn 6 của xã Phước Lộc (giáp giới với tỉnh Kon Tum) xuất hiện một điểm sạt lở vùi lấp 11 người. Tỉnh ủy Quảng Nam ngay trong sáng nay đã yêu cầu Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh tiếp cận hiện trường vụ sạt lở.
Hiện đoàn công tác của tỉnh do đồng chí Nguyễn Mạnh Hà - Trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy; Đại tá Nguyễn Bá Thông - Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh đang trên đường lên Phước Sơn khảo sát, tiếp cận hiện trường. Trung đội cơ động của Bộ đội Biên phòng tỉnh cũng đã xuất phát đến hiện trường.
Lực lượng tại chỗ của thôn đã tìm thấy 3 thi thể trong số 11 người bị vùi lấp nói trên.
Như vậy, chỉ trong một thời gian ngắn, đã liên tiếp xảy ra nhiều vụ sạt lở đất nghiêm trọng vùi lấp nhiều người tại Quảng Nam. Trước đó, tại thôn 1 xã Trà Leng, huyện Nam Trà My, sạt lở đất vùi lấp 45 người, 4 người thoát nạn. Tại thôn 1 xã Trà Vân, huyện Nam Trà My, có 8 người bị vùi lấp (đã tìm thấy thi thể), 12 người bị thương.
Theo thông tin chưa chính thức, trước khi xảy ra vụ việc, có 2 gia đình ở Trà Leng đã kịp chạy lên rừng, nên con số thương vong có thể không cao như dự báo ban đầu.
Theo báo cáo các cơ quan chức năng, hiện nay tuyến đường bộ huyết mạch từ trung tâm huyện Bắc Trà My lên huyện Nam Trà My đã bị sạt lở nghiêm trọng, địa phương đang phối hợp với các lực lượng của Quân khu 5 tích cực giải phóng mặt đường, để các lực lượng, phương tiện cứu hộ từng bước tiếp cận hiện trường.
Các lực lượng tại chỗ cũng đang tích cực tìm kiếm người mất tích.
*Tối 28/10, tại thôn Tà Làng, xã Bha Lêê (Tây Giang, Quảng Nam) cũng xảy ra vụ sạt lở núi vùi lấp một nhà dân, 8 thành viên trong gia đình may mắn thoát chết trong gang tấc nhờ chạy thoát được ra ngoài.
Sáng nay 29/10, lãnh đạo huyện Tây Giang đến thăm và hỗ trợ gia đình 3 triệu đồng. Đồng thời yêu cầu Đồn Biên phòng A Nông và dân quân xã hỗ trợ di dời gia đình đến nơi an toàn.
Phải thông cho được đường bộ vào hiện trường
Vào lúc 09h30’ ngày 29/10, tại Ban CHQS huyện Bắc Trà My, Ban Chỉ huy tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn các nạn nhân vụ sạt lở đất xảy ra tại xã Trà Leng (huyện Nam Trà My) tổ chức họp khẩn để triển khai các phương án đưa lực lượng, phương tiện tiếp cận hiện trường, tổ chức tìm kiếm, cứu nạn.
Trung tướng Nguyễn Trọng Bình, Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam; Trung tướng Nguyễn Long Cáng, Tư lệnh Quân khu 5; đồng chí Phan Việt Cường, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam; đồng chí Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam đồng chủ trì cuộc họp.
Do địa hình bị chia cắt, chính quyền địa phương vẫn chưa thống kê được chính xác có bao nhiêu điểm sạt lở trên đường cơ động, tiếp cận xã Trà Leng.
Nếu chỉ có một điểm sạt lở ở cuối huyện Bắc Trà My, từ nay đến đầu giờ chiều, lực lượng công binh Quân khu 5 có thể thông tuyến lên ngã 3 Trà Leng, cách điểm sạt lở 17 km nữa.
Ban chỉ đạo cứu hộ, cứu nạn yêu cầu các lực lượng vừa đẩy nhanh công tác giải phóng mặt đường, vừa khảo sát, chuẩn bị phương tiện, ô tô, ca nô, tàu thuyền, sẵn sàng cơ động bằng đường thủy, đường mòn, quyết tâm lên xã Trà Leng sớm nhất trong khả năng có thể.
Đồng chí Hồ Quang Bửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết: “Tới 09.00 giờ sáng nay, lực lượng cứu hộ tại chỗ đã tìm kiếm, đưa ra khỏi hiện trường sạt lở 8 nạn nhân.
Theo thông tin chưa chính thức, trước khi xảy ra vụ việc, có 2 gia đình ở Trà Leng đã kịp chạy lên rừng, nên con số thương vong có thể không cao như dự báo ban đầu”.
Phát biểu tại cuộc họp, Trung tướng Nguyễn Long Cáng, Tư lệnh Quân khu 5 đề nghị các cơ quan, đơn vị tập trung tối đa lực lượng, phương tiện, quyết tâm đẩy nhanh công tác tiếp cận hiện trường, tìm kiếm cứu nạn các nạn nhân; bảo đảm tốt thông tin liên lạc, an ninh, an toàn, đời sống hậu cần cho các lực lượng tham gia cứu hộ, cứu nạn.
Sau khi nghe ý kiến của các thành viên Sở chỉ huy tìm kiếm cứu nạn, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam Phan Việt Cường yêu cầu huyện Nam Trà My nhanh chóng đưa lực lượng cơ động tại chỗ của địa phương vào trước và sớm nhất có thể.
Bắc Trà My tiếp tục hỗ trợ Quân khu 5 trong công tác khai thông đường; hỗ trợ lực lượng cơ động cho Nam Trà My, ưu tiên dân quân tự vệ thông thạo, am hiểu địa hình, thời tiết địa phương.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam cũng đề nghị các lực lượng tiếp tục nghiên cứu phương án tiếp cận đường thủy.
Đề nghị Bộ Quốc phòng, Quân khu 5 hỗ trợ tối đa phương tiện cơ giới cho công tác tìm kiếm cứu nạn.
Ngoài ra, cần nhanh chóng hỗ trợ mai táng cho các trường hợp đã tìm được thi thể theo đúng phong tục địa phương.
Bằng mọi giá phải tìm kiếm cứu nạn người càng sớm càng tốt trong vòng 3 ngày tới khi thời tiết còn nắng ráo.
Những người bị nạn đang rất cần chúng ta
Chỉ đạo tại hiện trường, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhận định tình hình rất phức tạp. Ông yêu cầu các lực lượng tập trung với phương châm “bốn tại chỗ”, đặc biệt nòng cốt là lực lượng vũ trang, huy động vật tư, thiết bị cần thiết để khai thông đường, đến sớm nhất nơi sạt lở đất để cứu đồng bào - những người bị nạn đang rất cần chúng ta.
“Phải tìm kiếm những người mất tích, cứu những người còn sống sót”, Phó Thủ tướng lưu ý nhiệm vụ này rất cấp bách, các lực lượng cần tập trung cao độ và đặc biệt đảm bảo an toàn cho lực lượng tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn.
Gọi điện báo cáo với Thủ tướng về tình hình tại đây, Phó Thủ tướng cho biết con đường đi vào hiện trường rất trắc trở, nhiều điểm sạt lở. Lãnh đạo tỉnh Quảng Nam, Tư lệnh Quân khu 5, Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam đang tập trung chỉ đạo thông đường vào hiện trường.
Trung tướng Nguyễn Long Cáng - Tư lệnh Quân khu 5, trình bày phương án tiếp cận hiện trường vụ sạt lở. Ông cho biết lực lượng hành quân từ 1h sáng nhưng đến nay chỉ giải phóng được những điểm có cây gãy đổ.
Theo báo cáo của lực lượng tại hiện trường, tuyến đường này hiện có 5 điểm sạt lở, đã giải phóng được 3 điểm và còn 2 điểm chưa thông - đều là hai điểm sạt lở lớn.
Phương án của Quân khu 5 được Tư lệnh Nguyễn Long Cáng báo cáo trước hết là phối hợp với địa phương để thông đường, sau đó đi bộ vào khu bà con đang ở, vì ôtô không đi được. Ông khẳng định lực lượng quân đội trong quá trình tìm cứu cứu hộ, cứu nạn đều được huấn luyện đảm bảo an toàn.
“Quá trình di chuyển chúng tôi có sự hiệp đồng chặt chẽ. Chỗ nào nghi ngờ nguy hiểm là dừng kiểm tra xong mới di chuyển để đảm bảo an toàn cho lực lượng”, Tư lệnh Quân khu 5 nói.
Ông cho biết ở thôn 1, xã Trà Leng hiện chưa có lực lượng cứu hộ đến, chỉ có nguời địa phương.
Phó Thủ tướng yêu cầu tiếp cận nhanh nhất hiện trường. Trường hợp chưa đưa được máy móc vào tìm kiếm thì cử lực lượng quân đội, công binh vào trước, tìm kiếm thủ công. Cùng với đó, nghiên cứu phương án đưa máy bay trực thăng vào ứng cứu.
* Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã gọi điện trao đổi với Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng về công tác cứu nạn.
Thủ tướng gửi lời động viên đến lực lượng cứu nạn, đề nghị tập trung tất cả khả năng để có thể tìm kiếm các nạn nhân mất tích.
7h40 phút, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng tới huyện Bắc Trà My, nơi đóng Sở chỉ huy tiền phương, sau đó đi tiếp lên Nam Trà My để chỉ đạo công tác tìm kiếm cứu nạn 53 người mất tích tại Quảng Nam.
6h30 ngày 29/10:
Cùng lúc, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường sẽ đi đánh giá thiệt hại do mưa bão và chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả sau bão tại Bình Định và Quảng Ngãi.
Ngay sau cuộc họp khẩn với Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng về 2 vụ sạt lở nghiêm trọng tại Nam Trà My, đêm 28/10, lãnh đạo UBND tỉnh, Quân khu 5, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh cũng tổ chức họp bàn phương án tìm kiếm, cứu nạn các nạn nhân mất tích.
Rạng sáng nay 29/10, các lực lượng của Quân khu 5, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, địa phương và các ngành liên quan đã tìm cách tiếp cận vị trí sạt lở.
Trung tướng Nguyễn Long Cáng - Tư lệnh Quân khu 5 đã khảo sát việc mở đường vào hiện trường 2 vụ sạt lở ở Nam Trà My.
Tư lệnh yêu cầu lực lượng công binh sử dụng cơ giới phải nhanh chóng mở đường sớm nhất có thể. Đồng thời phải làm sao vừa cứu người dân vừa đảm bảo an toàn cho lực lượng cứu hộ, cứu nạn.
Theo đó, thống nhất thành lập 3 sở chỉ huy gồm: sở chỉ huy chính đặt tại Bắc Trà My và 2 sở chỉ huy trực tiếp tại hiện trường ở xã Trà Leng và xã Trà Vân (Nam Trà My).
Vào 3h sáng nay 29/10, Trung đoàn 885 (Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh), Lữ đoàn Công binh 270 (Quân khu 5) chuẩn bị quân số, 1 máy đào, 1 máy xúc lật, máy phát điện nhỏ, cưa máy, cuốc, xẻng… cơ động lên hiện trường.
Đồng thời, Ban Chỉ huy Quân sự huyện Nam Trà My trinh sát đường vào hiện trường sạt lở; lực lượng công binh sẽ tiến hành mở đường khẩn cấp. Trung đoàn 143 (Sư đoàn 315, Quân khu 5) cũng sẵn sàng trạng thái chiến đấu, cơ động khi cần thiết.
Lực lượng trinh sát cũng xác định địa hình, địa chất để sở chỉ huy đưa ra các phương án tìm kiếm hiệu quả, an toàn nhất. Công tác y tế được chuẩn bị chu đáo, có thể trưng dụng Trung tâm Y tế Nam Trà My để phục vụ khi cần thiết.
11h đêm 28/10:
Tại cuộc họp với lãnh đạo Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Quân khu 5 đêm 28/10 tại trụ sở Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Quảng Nam, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đồng ý thành lập Sở Chỉ huy tiền phương để thực hiện nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn, do Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh chỉ đạo và một lãnh đạo Quân khu 5 là cấp phó.
Thông tin về vụ sạt lở đất rất nghiêm trọng trên địa bàn huyện Nam Trà My, Phó Thủ tướng cho biết sự cố xảy ra tại hai thôn là thôn 1 xã Trà Leng và thôn 1 xã Trà Vân.
"Đây là sự cố hết sức nghiêm trọng, đã vùi lấp nhiều người," Phó Thủ tướng nói. Cụ thể, tại thôn 1 xã Trà Leng, sạt lở đất vùi lấp 45 người, 4 người thoát nạn. Còn tại thôn 1 xã Trà Vân, có 8 người bị vùi lấp.
Theo Phó Thủ tướng, một số sự cố có thể lường trước được nhưng riêng sạt lở đất do mưa lũ kéo dài ở vùng núi rất khó đoán định. "Bão vào chủ động ứng phó được nhưng sạt lở đất rất khó khăn, không chỉ Quảng Nam mà các địa phương khác cũng vậy", Phó Thủ tướng chia sẻ.
Đánh giá cao lãnh đạo tỉnh, các lực lượng, Bộ Quốc phòng và Quân khu 5 rất chủ động tập trung xây dựng phương án khẩn trương tìm kiếm, song Phó Thủ tướng cũng lưu ý việc tìm kiếm sẽ khó khăn do địa bàn xảy ra sự cố rất phức tạp, đi lại khó khăn. Hơn nữa, mưa lũ kéo dài cộng với cơn bão số 9 vừa rồi tác động rất mạnh, làm sạt lở đất tại nhiều khu vực.
"Đường đi vào để tìm kiếm cứu nạn rất khó, phải tập trung lực lượng, thiết bị, chỉ huy hậu cần với phương châm 4 tại chỗ để thực hiện nhiệm vụ này", Phó Thủ tướng chỉ đạo.
Phó Thủ tướng lưu ý Quảng Nam cần đặc biệt tập trung ứng phó với mưa lũ và sạt lở đất, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, đột xuất của tỉnh, của các lực lượng trên địa bàn. Ông yêu cầu tiếp tục rà soát các vị trí nguy hiểm để sơ tán dân. "Khó nhưng cũng phải làm", Phó Thủ tướng quán triệt.
Thủ tướng ra Công điện khẩn
Tối 28/10, do ảnh hưởng của bão số 9 gây mưa to, gió lớn, tại thôn 1 xã Trà Leng, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam đã xảy ra vụ sạt lở núi, vùi lấp nhiều nhà dân.
Nhận được tin báo, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có Công điện khẩn gửi Uỷ ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; Tư lệnh Quân khu 5, UBND tỉnh Quảng Nam yêu cầu phối hợp với các lực lượng liên quan tập trung bằng mọi biện pháp cần thiết để khẩn trương cứu hộ, cứu nạn những người bị vùi lấp, kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Lúc 22h30, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cùng lãnh đạo Bộ Quốc phòng, Công an, Quân khu 5 họp khẩn tại Trụ sở Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Nam để bàn biện pháp cứu hộ cứu nạn.
Trước đó, tối cùng ngày, trực tiếp kiểm tra và chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả bão số tại Quảng Nam, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu chính quyền các cấp tỉnh Quảng Nam cần phối hợp với các bộ, ngành liên quan thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm: Tìm kiếm bằng được những trường hợp hiện còn mất tích; giúp người dân sửa chữa, xây dựng lại nhà cửa, bảo đảm cung cấp lương thực, nhu yếu phẩm cho người dân.
Đặc biệt, có phương án để kịp thời ứng phó với mưa lũ, trước hết là rà soát, sơ tán dân khỏi những khu vực nguy hiểm (ngập sâu, có nguy cơ sạt lở); bảo đảm vận hành an toàn hồ đập, không để xảy ra tác động tiêu cực; tập trung lực lượng với phương châm 4 tại chỗ để ứng phó với mọi tình huống.
Theo báo cáo của Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Nam, do ảnh hưởng của bão số 9, từ 9h ngày 28/10, địa bàn tỉnh Quảng Nam đã có gió mạnh từ cấp 8-10. Tổng lượng mưa bình quân từ 150-300 mm. Mưa lớn khiến mực nước một số trạm thủy văn trên địa bàn tỉnh liên tục dâng cao: Trên sông thu Bồn ở thành phố Hội An là 0,96 m, cao hơn báo động 1 là 0,04 m; trên sông Tam Kỳ ở thành phố Tam Kỳ là 0,82 m, cao hơn báo động 1 là 0,82 m; trên sông Vu Gia ở huyện Đại Lộc là 6,54 m, cao hơn báo động 1 là 0,04 m./.
Nguồn tin: http://baochinhphu.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn