Thông tin liên hệ
- 0903 177 877
- hotro@xecung.com.vn
Theo Hướng dẫn mới, trường hợp bệnh nghi ngờ bao gồm các trường hợp: 1- Người bệnh có sốt và/hoặc viêm đường hô hấp cấp tính không lý giải được bằng các nguyên nhân khác; 2- Người bệnh có bất kỳ triệu chứng hô hấp nào và có tiền sử đến/qua/ở/về từ vùng dịch tễ có bệnh COVID-19 trong khoảng 14 ngày trước khi khởi phát các triệu chứng hoặc tiếp xúc gần với trường hợp bệnh nghi ngờ hoặc xác định COVID-19 trong khoảng 14 ngày trước khi khởi phát các triệu chứng.
Trường hợp bệnh xác định là trường hợp bệnh nghi ngờ hoặc bất cứ người nào có xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 bằng kỹ thuật real-time RT-PCR.
Khoảng hơn 80% người bệnh chỉ sốt nhẹ, thường tự hồi phục sau khoảng một tuần
Theo Hướng dẫn mới, thời gian ủ bệnh là 2-14 ngày, trung bình từ 5-7 ngày.
Triệu chứng hay gặp là sốt, ho khan, mệt mỏi và đau cơ. Có thể bị đau họng, nghẹt mũi, chảy nước mũi, đau đầu, ho có đờm, nôn và tiêu chảy. Một số trường hợp có biểu hiện rối loạn khứu giác hoặc tê lưỡi.
Hầu hết người bệnh (khoảng hơn 80%) chỉ sốt nhẹ, ho, mệt mỏi, không bị viêm phổi và thường tự hồi phục sau khoảng một tuần. Tuy nhiên, một số trường hợp không có biểu hiện triệu chứng lâm sàng nào.
Khoảng gần 20% số bệnh nhân diễn biến nặng, thời gian trung bình từ khi có triệu chứng ban đầu tới khi diễn biến nặng thường khoảng 5-8 ngày. Các biểu hiện nặng bao gồm: Viêm phổi, viêm phổi nặng cần nhập viện… Trong đó, khoảng 5% cần điều trị tại các đơn vị hồi sức tích cực với các biểu hiện hô hấp cấp (thở nhanh, khó thở, tím tái, …), hội chứng suy hô hấp cấp tiến triển (ARDS), rối loạn đông máu, tổn thương vi mạch gây huyết khối và tắc mạch, viêm cơ tim, sốc nhiễm trùng, suy chức năng các cơ quan bao gồm tổn thương thận và tổn thương cơ tim, dẫn đến tử vong…
Tử vong xảy ra nhiều hơn ở người cao tuổi, người suy giảm miễn dịch và mắc các bệnh mạn tính kèm theo. Ở người lớn, các yếu tố tiên lượng tăng nguy cơ tử vong là tuổi cao, điểm suy đa tạng SOFA cao khi nhập viện và nồng độ D-dimer > 1 mg/L.
Theo Bộ Y tế, người bệnh COVID-19 có biểu hiện lâm sàng đa dạng: Từ nhiễm không có triệu chứng tới những biểu hiện bệnh lý nặng như viêm phổi nặng, hội chứng ARDS, nhiễm trùng huyết (sepsis), sốc nhiễm trùng, nhồi máu phổi, đột quỵ…
Theo hướng dẫn, sau giai đoạn toàn phát 7-10 ngày, nếu không có hội chứng ARDS, bệnh nhân sẽ hết sốt, các dấu hiệu lâm sàng dần trở lại bình thường và khỏi bệnh.
Điều trị triệu chứng là chủ yếu
Theo Bộ Y tế, do chưa có thuốc đặc hiệu nên điều trị hỗ trợ và điều trị triệu chứng là chủ yếu, có thể áp dụng một số phác đồ điều trị nghiên cứu được Bộ Y tế cho phép; cần theo dõi, phát hiện và xử trí kịp thời các tình trạng nặng, biến chứng của bệnh.
Các biện pháp theo dõi và điều trị chung được khuyến cáo: Nghỉ ngơi tại giường, phòng bệnh cần được bảo đảm thông thoáng (mở cửa sổ, không sử dụng điều hòa), có thể sử dụng hệ thống lọc không khí hoặc các biện pháp khử trùng phòng bệnh khác như đèn cực tím (nếu có); vệ sinh mũi họng, có thể giữ ẩm mũi bằng nhỏ dung dịch nước muối sinh lý, súc miệng họng bằng các dung dịch vệ sinh miệng họng thông thường; giữ ấm; uống đủ nước, bảo đảm cân bằng dịch, điện giải; thận trọng khi truyền dịch cho người bệnh viêm phổi nhưng không có dấu hiệu của sốc.
Bên cạnh đó, bảo đảm dinh dưỡng và nâng cao thể trạng, bổ sung vitamin nếu cần thiết. Với các người bệnh nặng, nguy kịch, áp dụng hướng dẫn dinh dưỡng của Hội Hồi sức cấp cứu và chống độc đã ban hành. Hạ sốt nếu sốt cao, có thể dùng paracetamol liều 10-15 mg/kg/lần, không quá 60 mg/kg/ngày cho trẻ em và không quá 2 gam/ngày với người lớn; giảm ho bằng các thuốc giảm ho thông thường nếu cần thiết.
Đánh giá, điều trị, tiên lượng các tình trạng bệnh lý mãn tính kèm theo (nếu có); tư vấn, hỗ trợ tâm lý, động viên người bệnh; theo dõi chặt chẽ các dấu hiệu lâm sàng, tiến triển của tổn thương phổi trên phim x-quang và/hoặc CT phổi. Đặc biệt, trong khoảng ngày thứ 7-10 của bệnh, phát hiện các dấu hiệu tiến triển nặng của bệnh như suy hô hấp, suy tuần hoàn để có các biện pháp can thiệp kịp thời.
Tại các cơ sở điều trị, cần có các trang thiết bị, dụng cụ cấp cứu tối thiểu: Máy theo dõi độ bão hòa ô xy, hệ thống/bình cung cấp ô xy, thiết bị thở ô xy (gọng mũi, mask thông thường, mask có túi dự trữ), bóng, mặt nạ và dụng cụ đặt ống nội khí quản phù hợp các lứa tuổi.
Bên cạnh đó, Bộ Y tế cũng hướng dẫn điều trị suy hô hấp; sốc nhiễm trùng; hỗ trợ chức năng các cơ quan…
Tuệ Văn
Nguồn tin: http://baochinhphu.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn