Thông tin liên hệ
- 0903 177 877
- hotro@xecung.com.vn
Đại tá Tô Cao Lanh, Phó Cục trưởng Cục cảnh sát hình sự (Bộ Công an) đã nhấn mạnh như trên trong cuộc trao đổi với Báo điện tử Chính phủ nhân “Ngày toàn dân phòng chống mua bán người” và “Ngày thế giới phòng chống mua bán người” (30/7).
Mua bán người được Liên Hợp Quốc xác định là một trong 4 loại tội phạm nguy hiểm nhất, được đưa vào Chương trình phòng, chống tội phạm toàn cầu và ngày 30/7 hằng năm được chọn là “Ngày thế giới phòng, chống mua bán người”. Tại Việt Nam, ngày 30/7 cũng được chọn làm “Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người”, nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân tham gia phòng ngừa, ngăn chặn, tiến tới đẩy lùi tội phạm mua bán người trên phạm vi toàn quốc.
Thưa ông, Cơ quan phòng chống ma túy và tội phạm của Liên Hợp Quốc (UNODC) nhận định đại dịch COVID-19 có thể thúc đẩy nạn mua bán người hoạt động ngầm hơn. Đông Nam Á là khu vực đã phải đối mặt với nạn mua bán người từ lâu và nay trong dịch bệnh lại càng trở nên phức tạp. Vậy tại Việt Nam, hiện nay, tình hình tội phạm mua bán người diễn biễn như thế nào?
Đại tá Tô Cao Lanh: Tại Việt Nam, trong bối cảnh đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, tội phạm mua bán người tuy rằng đã được kiềm chế, kéo giảm, nhưng vẫn còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ cao, với nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi xảo quyệt.
Tội phạm lợi dụng sự phát triển của công nghệ thông tin (qua các trang mạng xã hội) làm quen, giả yêu đương, kết bạn thay vì phải trực tiếp tuyển mộ, vận chuyển như trước đây, để bán ra nước ngoài, chủ yếu là ép làm gái mại dâm hoặc làm vợ bất hợp pháp; lợi dung tuyển dụng lao động và làm giả hồ sơ, giấy tờ để mua bán người dưới 16 tuổi liên tỉnh.
Có trường hợp đối tượng lợi dụng khó khăn về kinh tế, sự nhẹ dạ cả tin, mất cảnh giác để giả danh công an, bộ đội biên phòng, hoặc tục lệ cưới hỏi của đồng bào dân tộc thiểu số (dân tộc Mông) để lừa bán phụ nữ, trẻ em tại các tỉnh miền núi phía bắc sang Trung Quốc; dụ dỗ, lôi kéo, môi giới phụ nữ có thai ngoài ý muốn, hoặc hoàn cảnh gia đình kinh tế khó khăn xuất cảnh trái phép ra nước ngoài sinh và bán con. Lực lượng chức năng cũng đã phát hiện một số vụ việc mua bán mô, bộ phận cơ thể người (thận)…
Bên cạnh đó, tình trạng xuất, nhập cảnh trái phép diễn biến phức tạp, các đối tượng câu kết hình thành đường dây (có yếu tố nước ngoài) thực hiện hành vi tổ chức, môi giới, dẫn dắt đưa người xuất, nhập cảnh trái phép với nhiều mục đích khác nhau, tiềm ẩn nguy cơ rủi ro bị mua bán người, chủ yếu là đường bộ (do hạn chế các chuyến bay).
Với vai trò chủ công, nòng cốt trong công tác phòng chống tội phạm mua bán người, Cục Cảnh sát hình sự đã nỗ lực ngăn chặn loại tội phạm này như nào, thưa ông?
Đại tá Tô Cao Lanh: Trước tình hình trên, Cục Cảnh sát hình sự đã tham mưu Bộ Công an xây dựng kế hoạch chỉ đạo lực lượng cảnh sát hình sự toàn quốc đấu tranh, triệt phá các đường dây, băng nhóm tội phạm mua bán người giai đoạn 2021-2025 và triển khai Kế hoạch cao điểm tấn công trấn áp tội phạm mua bán người trên toàn quốc (từ 01/7-30/9/2021).
Đồng thời xây dựng kế hoạch phối hợp với lực lượng biên phòng để triển khai đấu tranh với tội phạm mua bán người trên tuyến biên giới Trung Quốc, Lào, Campuchia.
Ngay từ đầu năm 2021, Cục Cảnh sát hình sự đã phối hợp với công an các địa phương triệt phá đường dây mua bán người dưới 16 tuổi (bắt 8 đối tượng và giải cứu 5 nạn nhân là trẻ em; 01 phụ nữ mang thai tháng thứ 8).
Công an một số địa phương cũng đã triệt phá đường dây mua bán người dưới 16 tuổi liên tỉnh, thông qua hình thức làm giả hồ sơ, giấy tờ, hợp đồng lao động và ép phục vụ tại quán cafe, nhà hàng, karaoke.
Theo thống kê, 6 tháng đầu năm 2021, cả nước đã phát hiện 29 vụ, 43 đối tượng phạm tội mua bán người; giải cứu, tiếp nhận, hỗ trợ 56 nạn nhân.
Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản truyền đạt ý kiến lãnh đạo Chính phủ yêu cầu tổng kết 9 năm thi hành Luật Phòng, chống mua bán người. Qua thực tiễn triển khai Luật đến nay, chúng ta có gặp khó khăn, vướng mắc nào không, thưa ông?
Đại tá Tô Cao Lanh: Luật Phòng, chống mua bán người được Quốc hội thông qua năm 2011. Đến nay, đã có nhiều văn bản quy phạm pháp luật liên quan được ban hành để hoàn thiện hệ thống pháp luật đấu tranh với loại tội phạm này, như: Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi năm 2017) quy định Điều 150 về tội mua bán người và Điều 151 về tội mua bán người dưới 16 tuổi và các tội danh có liên quan như: Điều 154 về tội mua bán, chiếm đoạt mô hoặc bộ phận cơ thể người, Điều 187 về tội tổ chức mang thai hộ vì mục đích thương mại, Điều 297 về tội cưỡng bức lao động. Trong đó Điều 150 (BLHS 2015) về tội mua bán người với khung hình phạt theo hướng tăng nặng hơn so với Điều 119- Tội mua bán phụ nữ, Bộ luật Hình sự 1999.
Tòa án nhân dân Tối cao cũng đã ban hành Nghị quyết số 02/2019/NQ-HĐTP ngày 11/01/2019 của Hội đồng Thẩm phán, Tòa án nhân dân Tối cao hướng dẫn áp dụng điều 150, 151 Bộ luật Hình sự về tội mua bán người và mua bán người dưới 16 tuổi. Như vậy có thể khẳng định, quy định của pháp luật hiện hành về phòng chống mua bán người đã khá đầy đủ và đủ sức răn đe tội phạm.
Tuy nhiên, thực tiễn đấu tranh với loại tội phạm này cho thấy, mua bán người ra nước ngoài chiếm tỉ lệ cao, khi ở nước ngoài nạn nhân bị làm giả giấy tờ gây khó khăn cho công tác xác minh, xác định để tiến hành giải cứu, hồi hương.
Hơn nữa, tội phạm mua bán người với phương thức thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt (như sử dụng mạng xã hội, điện thoại thông minh để giao dịch, liên hệ, dùng tên giả, địa chỉ giả, giấy tờ giả, thường xuyên thay đổi nơi cư trú), quy mô chặt chẽ, hoạt động liên tỉnh, xuyên quốc gia.
Nạn nhân của tội phạm mua bán người chủ yếu là phụ nữ, trẻ em, là phái yếu thế dễ bị xâm hại, bị mua bán ra nước ngoài chủ yếu là ép làm mại dâm hoặc làm vợ bất hợp pháp, vì vậy sẽ gây tổn thương rất nghiêm trọng về danh dự, nhân phẩm, sức khỏe, tinh thần, nạn nhân có tâm lý mặc cảm, sợ ảnh hưởng đến đời tư, gia đình gây nhiều khó khăn cho lực lượng chức năng khi tiếp xúc với họ trong công tác điều tra, xử lý tội phạm (khai báo không đầy đủ, khách quan, có trường hợp do mặc cảm không muốn hợp tác).
Công tác hỗ trợ nạn nhân được quy định trong Nghị định số 09/2013/NĐ-CP cần được sửa đổi phù hợp với thực tiễn; nhiều vụ việc nạn nhân không được giải cứu, tiếp nhận, bảo vệ hỗ trợ, chuyển tuyến kịp thời sẽ ảnh hưởng đến công tác lấy lời khai, củng cố tài liệu chứng cứ từ nạn nhân (nhất là số nạn nhân bị mua bán ra nước ngoài); một số vụ việc gặp khó khăn khi nạn nhân có sự thỏa thuận với đối tượng để thực hiện hành vi phạm tội; thông tin trao đổi với lực lượng chức năng các nước để giải cứu nạn nhân khó khăn do khác biệt về luật pháp, nhất là xác định hành vi mua bán người và nhân thân nạn nhân…
Trong thời gian qua, các bộ ngành, địa phương đã rất nỗ lực trong công tác phòng, chống mua bán người. Nhưng dường như đây vẫn là vấn nạn “nhức nhối”. Theo ông, đâu là vấn đề mấu chốt trong việc phòng ngừa và ứng phó với việc mua bán người? Cục Cảnh sát hình sự có giải pháp gì không?
Đại tá Tô Cao Lanh: Tội phạm mua bán người là loại tội phạm ẩn, có mối liên quan đến các vấn đề xã hội, đối tượng bị mua bán chủ yếu là phụ nữ, trẻ em, xảy ra tại các vùng miền, đặc biệt là miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số...
Theo tôi, ngoài tuyên truyền, nâng cao nhận thức xã hội, để phòng chống nạn mua bán người một cách hiệu quả, chúng ta cần phải giải quyết được những nguyên nhân gốc rễ là những khó khăn mà trẻ em, phụ nữ và nam giới đang phải đối mặt như: Nghèo đói, bỏ học, thiếu việc làm...
Rất cần sự đầu tư phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, tạo việc làm cho đồng bào, nhất là đồng bào ở vùng sâu, vùng xa, vùng trọng điểm về mua bán người cũng như tập trung quan tâm, giúp đỡ các gia đình có hoàn cảnh khó khăn, những người có hoàn cảnh éo le dễ trở thành nạn nhân của tội phạm mua bán người.
Trong thời gian tới, tình hình hoạt động của tội phạm mua bán người tiếp tục diễn biến phức tạp. Do tình hình dịch COVID-19, nhu cầu tìm việc làm để ổn định đời sống của một bộ phận quần chúng nhân dân gặp khó khăn. Đây chính là điều kiện thuận lợi để các đối tượng triệt để lợi dụng lừa gạt, dụ dỗ nạn nhân ra nước ngoài để mua bán nhằm nhiều mục đích khác nhau như: Bóc lột tình dục, kết hôn trái phép, cưỡng bức lao động…
Đặt trong bối cảnh dịch COVID-19 hiện nay, phát huy tinh thần phòng chống dịch COVID-19, mỗi cá nhân, mỗi gia đình và các ngành, các cấp cần chung tay hành động, nâng cao ý thức, trách nhiệm trong việc đẩy lùi nạn mua bán người, mang lại cuộc sống bình yên, hạnh phúc cho mọi người và toàn xã hội.
Với vai trò chủ công, nòng cốt, lực lượng cảnh sát hình sự sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với lực lượng bộ đội biên phòng và các đơn vị liên quan thực hiện hiệu quả Chương trình phòng, chống mua bán người giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Tập trung làm tốt công tác phòng ngừa, nhất là phòng ngừa xã hội, kết hợp chặt chẽ phòng ngừa nghiệp vụ. Đẩy mạnh công tác truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng và trực tiếp tại cộng đồng.
Đồng thời triển khai các hoạt động nghiệp vụ, nắm chắc tình hình hoạt động tội phạm mua bán người và các đối tượng khác có liên quan, tập trung vào các tuyến, địa bàn trọng điểm. Tổ chức tiếp nhận, xác minh, xử lý kịp thời tố giác, tin báo và kiến nghị khởi tố về tội phạm mua bán người; điều tra khám phá các vụ án, đường dây tội phạm mua bán người, truy bắt đối tượng. Chú trọng công tác tiếp nhận, xác minh, xác định, thực hiện các biện pháp bảo vệ an toàn cho nạn nhân, người thân thích của họ và bí mật thông tin; hỗ trợ cho nạn nhân bị mua bán trở về theo quy định của pháp luật.
Bên cạnh đó, mở cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm mua bán người trên phạm vi toàn quốc, trọng tâm là các tuyến biên giới giáp Trung Quốc, Campuchia và Lào. Phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị, lực lượng chức năng trong và ngoài ngành công an, chia sẻ thông tin hỗ trợ phòng, chống mua bán người. Đồng thời phối hợp với lực lượng chức năng các nước, các tổ chức cảnh sát quốc tế (Interpol, Aseanapol) trong trao đổi thông tin, phối hợp điều tra, bắt giữ, chuyển giao, truy nã tội phạm, giải cứu, tiếp nhận nạn nhân bị mua bán trở về.
Trân trọng cảm ơn ông!
Nguồn tin: http://baochinhphu.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn