Thông tin liên hệ
- 0903 177 877
- hotro@xecung.com.vn
Hiện nay, các chương trình du lịch học đường được xây dựng đa dạng, với nhiều hình thức, như du lịch học tập, du lịch khám phá-trải nghiệm, giáo dục di sản… Một điểm chung là hầu hết các chương trình này đều được xây dựng phù hợp với mỗi lứa tuổi nhằm mang lại sự hứng thú cho các em. Qua các chuyến tham quan, sự gắn kết giữa học sinh và nhà trường ngày càng chặt chẽ, học sinh thêm yêu quý những giá trị nhân văn trong cuộc sống.
Nhận thức được tầm quan trọng của việc giáo dục công chúng, đặc biệt là giáo dục di sản cho thế hệ trẻ, trong những năm gần đây, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long-Hà Nội đã xây dựng một số chương trình giáo dục di sản chuyên sâu cho học sinh các cấp, nổi bật là 2 chương trình “Em làm nhà khảo cổ” và “Em tìm hiểu di sản”. Đây là hướng tiếp cận mới trong công tác giáo dục di sản bằng việc tạo ra những chương trình bổ ích, lý thú, chơi mà học-học mà chơi, đồng thời giúp các em chủ động khám phá, tìm hiểu di sản thông qua các hoạt động tương tác, trải nghiệm, góp phần rèn luyện các kỹ năng quan sát, sưu tầm, thuyết trình, làm việc nhóm, rèn luyện các phẩm chất cần cù, kiên trì, sáng tạo, tỉ mỉ.
Từ năm 2018, chương trình giáo dục di sản tại Hoàng thành Thăng Long và Khu di tích Cổ Loa được nâng lên một tầm mới, bài bản hơn, sâu rộng hơn thông qua việc hợp tác chặt chẽ với ngành GD&ĐT Thủ đô. Đây thực sự là dấu mốc quan trọng, khẳng định sự chung tay của ngành giáo dục, của nhà trường và của các thầy cô giáo để triển khai chương trình giáo dục di sản hiệu quả hơn, thu hút đông đảo học sinh tham gia hơn. Đến nay đã có hơn 45.000 học sinh tham tham gia chương trình giáo dục di sản chuyên sâu tại Hoàng thành Thăng Long và Khu di tích Cổ Loa. Bên cạnh đó, số lượng học sinh tham quan tự do ở cả hai khu di tích cũng rất đông, khoảng hơn 120.000 em.
Tập trung xây dựng sản phẩm du lịch học đường hấp dẫn
Mặc dù chương trình giáo dục di sản đã thổi một luồng gió mới vào việc học tập của các em, nhưng chương trình này cũng bắt đầu bộc lộ những bất cập. Đó là hạ tầng khu di sản chưa đáp ứng đón tiếp số lượng học sinh quá đông, đến cùng thời điểm; chương trình phần nhiều được tổ chức ngoài trời, nên phụ thuộc vào thời tiết, thiếu phương án dự phòng, ứng phó với thời tiết.
Vì vậy, theo bà Nguyễn Hồng Chi, để chương trình giáo dục di sản phát triển thành sản phẩm du lịch học đường có chất lượng, thời gian tới, Trung tâm Bảo tồn di sản thăng Long-Hà Nội sẽ tập trung xây dựng các sản phẩm du lịch học đường hấp dẫn trên cơ sở các chương trình giáo dục di sản hiện có.
Đồng thời hoàn thiện cơ sở hạ tầng, dịch vụ phục vụ đối tượng học sinh tốt hơn; dành nhiều khu vực sân chơi tự do với các trò chơi truyền thống; xây dựng nội dung tài liệu giáo dục di sản Hoàng thành Thăng Long và Khu di tích Cổ Loa lồng ghép trong giảng dạy một số môn học của học sinh các cấp học…
Đơn vị cũng sẽ phối hợp Sở GD&ĐT Hà Nội xây dựng chủ trương mở rộng và tăng thời lượng chương trình học tập ngoại khóa tại các trường, gắn với các di sản của địa phương, trong đó có Hoàng thành Thăng Long và Khu di tích Cổ Loa; phối hợp Sở Du lịch Hà Nội đưa sản phẩm du lịch học đường tại Hoàng thành Thăng Long và Khu di tích Cổ Loa vào các chương trình quảng bá, xúc tiến du lịch nhằm tiếp cận với các đơn vị tổ chức, công ty du lịch.
Minh Anh
Nguồn tin: http://baochinhphu.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn