Thông tin liên hệ
- 0903 177 877
- hotro@xecung.com.vn
Bàn tay nắm bàn tay
TPHCM cũng như nhiều địa phương tại Việt Nam đang gánh những hậu quả nặng nề do dịch bệnh bùng phát. Dịch bệnh làm mọi người phải giữ khoảng cách với nhau, nhưng những siêu thị 0 đồng, ATM gạo, bình trà đá miễn phí, quán cơm 0 đồng, cửa hàng rau miễn phí, những đoàn thiện nguyện ngày đêm trao quà cho người vô gia cư, những khoản tiền đóng góp cho cả nước chống dịch.. khiến cho người dân gần nhau hơn trong nghĩa cử đồng bào.
Siêu thị 0 đồng được mở ra khi dịch bệnh bùng phát tại TPHCM vào tháng 6 để giúp đỡ những gia đình nghèo, công nhân lao động, những người bị ảnh hưởng trực tiếp bởi dịch COVID-19. Chuỗi siêu thị ý nghĩa này do Công ty PNJ phối hợp cùng Sở Công Thương TPHCM, Hiệp hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao tổ chức với sự chung tay của rất nhiều các doanh nghiệp, cá nhân trên khắp cả nước.
Ông Huỳnh Văn Tẩn, đại diện chuỗi Siêu thị 0 đồng tại TPHCM, cho biết, mô hình siêu thị này đang được nhiều doanh nghiệp, cá nhân chung tay để tiếp tục mở rộng, kịp thời đến với những người khó khăn. Khoảng 50.000 phiếu mua hàng có tổng giá trị 10 tỷ đồng được phát miễn phí cho hàng chục nghìn lao động, nhân lực tuyến đầu chống dịch, sinh viên... tại TPHCM thông qua chương trình "Siêu thị mini 0 đồng".
Thành phố Hồ Chí Minh đã chi gói hỗ trợ 886 tỷ đồng từ ngân sách của Thành phố để hỗ trợ các đối tượng gặp khó khăn. Nhiều tổ chức, đơn vị cũng đã tích cực vận động, quyên góp hỗ trợ thêm cho những người dân bị ảnh hưởng, khó khăn bởi đại dịch, giúp bảo vệ sinh kế của họ. Bên cạnh đó, nhiều hoạt động thiện nguyện thiết thực nhanh chóng được cộng đồng người dân, doanh nghiệp TPHCM thực hiện tuỳ theo khả năng, lĩnh vực hoạt động. Chẳng hạn, Tập đoàn Thaco đã tài trợ 63 xe chuyên dụng vận chuyển vaccine phòng COVID-19 và 63 xe phục vụ tiêm chủng lưu động cho Bộ Y tế với tổng giá trị hơn 150 tỷ đồng. Công ty CP Tập đoàn Vạn Thịnh Phát ủng hộ xây dựng 2 bệnh viện dã chiến tại Quận 7 và huyện Bình Chánh có quy mô lên đến 7.000 giường… giúp thành phố có thêm tiềm lực để chiến đấu với dịch bệnh kinh hoàng nhất trong lịch sử.
Chung tâm thế vì một cộng đồng sẻ chia
Dịch COVID-19 diễn biến phức tạp đặt ra thách thức rất lớn đối với TPHCM trong việc thực hiện mục tiêu kép, vừa phòng chống dịch, vừa phục hồi và thúc đẩy phát triển kinh tế. Tuy nhiên, chính mục tiêu này đã củng cố và tạo dựng niềm tin cho cộng đồng doanh nghiệp và tăng trách nhiệm, vai trò của doanh nghiệp đối với đất nước. Thời điểm này cũng là lúc các doanh nghiệp cần tiên phong thực hiện trách nhiệm xã hội hơn bao giờ hết. Và cũng chính thử thách lớn này chứng tỏ tính hiệu quả của khối doanh nghiệp tư nhân trong việc chung tay cùng chính quyền ứ
ng phó với các tình huống khẩn cấp. Có thể nói, thời gian qua, cộng đồng doanh nghiệp đã thể hiện hiệu quả trong vai trò phối hợp với chính quyền Thành phố ứng phó với dịch bệnh và bình ổn sản xuất, đời sống xã hội.
“Tôi muốn nhắc các bạn về trách nhiệm đặc biệt của Tập đoàn trong đại dịch COVID-19, khi mà các sản phẩm chủ lực của chúng ta là hàng tiêu dùng thiết yếu, có vai trò vô cùng quan trọng với đời sống. Masan không chỉ là doanh nghiệp kinh doanh đơn thuần mà còn có nghĩa vụ bảo đảm an ninh lương thực, phụng sự nhân dân, đồng hành cùng đất nước vượt qua và đẩy lùi đại dịch”, ông Nguyễn Đăng Quang, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Masan, đã nói như vậy với các nhân viên của mình.
Để hỗ trợ TPHCM kiểm soát dịch bệnh, Tập đoàn Masan đã ủng hộ 2 máy ECMO cho Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM, Bệnh viện Nhân dân Gia Định và 6.000 kit xét nghiệm COVID-19 cho Trung tâm kiểm soát bệnh tật TPHCM (HCDC) trị giá tương đương 10 tỷ đồng. Trước đó, tại Lễ ra mắt Quỹ Vaccine phòng chống COVID-19, Tập đoàn Masan đã ủng hộ Quỹ 60 tỷ đồng cùng nhiều hiện vật cho công tác phòng, chống dịch COVID-19. Đáng chú ý hơn là hệ thống các cửa hàng, siêu thị, nhà máy của Masan hoạt động liên tục, bảo đảm cung ứng đủ thực phẩm cho TPHCM cũng như nhiều tỉnh, thành phố khác đang bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.
Nhiều tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp tư nhân lớn, ngân hàng thương mại... có nguồn lực tài chính mạnh, có quỹ dự phòng lớn cũng đã nhanh chóng tham gia ủng hộ, đồng hành với Nhà nước trong cuộc chiến phòng chống dịch COVID-19. Tại TPHCM, 23 doanh nghiệp đã ủng hộ Quỹ Phòng, chống dịch COVID-19 của Thành phố 279 tỷ đồng, giúp Thành phố kịp thời có thêm nguồn lực trong phòng chống dịch bệnh, bình ổn xã hội.
Đối mặt với dịch bệnh khốc liệt chưa từng có trong lịch sử, nhiều doanh nghiệp lặng thầm nhưng sẵn sàng dốc hết nguồn lực trong cuộc chiến này. Chẳng hạn, Tập đoàn Vạn Thịnh Phát (VTP Group) và Tập đoàn Đầu Tư An Đông ủng hộ mặt bằng và toàn bộ kinh phí xây dựng, trang thiết bị y tế để biến Trung tâm Garden Mall sau 10 ngày thành bệnh viện dã chiến. VTP Group cũng tài trợ để cấp tốc xây dựng 2 bệnh viện dã chiến tại Quận 7 và huyện Bình Chánh có quy mô lên đến 7.000 giường, kịp thời đón nhận các bệnh nhân COVID-19. “Đừng hỏi Tổ quốc đã làm gì cho ta, mà cần hỏi ta đã làm gì cho Tổ quốc hôm nay… Đây chính là tinh thần và ý chí đang dâng trào trong mỗi cá nhân đang góp sức vào 3 dự án bệnh viện dã chiến thu dung mà tập đoàn chúng tôi đang đồng loạt triển khai”, bà Trương Huệ Vân, Tổng Giám đốc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, chia sẻ.
Sức mạnh của cộng đồng gắn kết
Trong khi đó, những doanh nghiệp nhỏ nỗ lực duy trì hoạt động kinh doanh, không bị phá sản, không để người lao động mất việc, nợ lương... cũng là sự đóng góp đáng ghi nhận. Họ là nguồn lực truyền thống giúp xã hội có khả năng chống chịu và một lần nữa thể hiện vai trò truyền thống này trong thời kỳ đỉnh điểm của khủng hoảng do COVID-19 gây nên. Tập đoàn Hoa Sen vừa sản xuất, vừa huy động lực lượng quyên góp ngay 21 tấn gạo, 10 tấn rau củ quả, 11 tấn mì và các gia vị thiết yếu cho 7 điểm bếp ăn thiện nguyện, công suất hơn 30.000 suất ăn miễn phí/ ngày và 8 điểm phát quà đến bà con có hoàn cảnh khó khăn…
Điều ghi nhận là trong hoạt động cộng đồng, nhiều doanh nghiệp đã cùng hợp tác hoặc bắt tay với các tổ chức phi lợi nhuận để đóng góp cho các chương trình hiệu quả và lan rộng hơn.
Công ty Bảo hiểm Generali triển khai sáng kiến “Góp bước chân xuyên Việt - Sải rộng cánh yêu thương”, khuyến khích cộng đồng tập luyện thể thao, nâng cao sức khỏe mùa dịch và vận động quyên góp thiện nguyện, hỗ trợ các gia đình nghèo bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Qua sáng kiến này, Công ty đã đóng góp thành công 1,5 tỷ đồng cho công tác phòng chống dịch. Bà Tina Nguyễn, Tổng Giám đốc Generali Việt Nam, chia sẻ: "Sáng kiến độc đáo này đã giúp chúng tôi thực hiện cùng lúc 3 mục tiêu: Đóng góp tích cực và kịp thời cho công tác phòng chống dịch COVID-19, khuyến khích tinh thần tập luyện thể thao, nâng cao sức khỏe trong mùa dịch và gắn kết đội ngũ nhân viên, tư vấn viên trong thời gian giãn cách xã hội”.
Trong khi đó, Công ty Sữa VitaDairy thực hiến chiến dịch “Vaccine - Hành trình miễn dịch” nhằm lan tỏa kiến thức về vaccine để cộng đồng có thể tự bảo vệ bản thân, gia đình và quyên góp được 3 tỷ đồng để trao cho Bộ Y tế. Bà Nguyễn Thị Hà, Tổng Giám đốc Công ty sữa VitaDairy chia sẻ: “Khủng hoảng không phải là cơ hội để kinh doanh, mà là cơ hội để doanh nghiệp thể hiện vai trò của mình với xã hội. Cộng đồng đã yêu mến và tin tưởng sản phẩm, giúp VitaDairy lớn mạnh như bây giờ. Bởi vậy, những chiến dịch cộng đồng là sự hồi đáp của chúng tôi để bày tỏ lòng biết ơn”.
Ngay khi người dân TPHCM có những lo ngại về thiếu thực phẩm, đội ngũ của Công ty Di động Việt cùng Công ty Haravan phát triển website đặt hàng trực tuyến bình ổn giá rau củ quả, trứng và giao hàng nhanh trong vòng 1-24 giờ. Chỉ trong vòng 48 giờ, website đã sẵn sàng và trở thành kênh đặt hàng của nhiều người dân. Những cửa hàng bán điện thoại nhanh chóng được trưng dụng để bán rau củ. CEO Haravan Huỳnh Lâm Hồ cho biết: “Cuộc chiến chống dịch bệnh là trách nhiệm của tất cả mọi người, đòi hỏi sức mạnh và ý thức của cả cộng đồng. Chúng tôi luôn sẵn sàng chung tay cùng doanh nghiệp để TPHCM nhanh chóng đẩy lui dịch bệnh, phục hồi các hoạt động kinh doanh”.
Vẫn còn quá sớm để đưa ra những dự báo chắc chắn về tình hình dịch bệnh tại Việt Nam, cũng như chưa có đầy đủ những số liệu phản ánh tác động toàn diện của đại dịch gây ra đối với doanh nghiệp và việc làm, đời sống người dân. Khó khăn còn ở phía trước, nhưng chắc chắn các hoạt động thiện nguyện vẫn luôn được duy trì để không ai bị bỏ lại phía sau. Các đóng góp dù lớn hay nhỏ nhưng nhiều bàn tay góp sức sẽ mang lại niềm tin về một cộng đồng vững chãi trước những thử thách phía trước.
Nguồn tin: http://baochinhphu.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn