Giải pháp hai nhà nước trở lại bàn đàm phán nhằm chấm dứt xung đột Israel-Palestine

Chủ nhật - 26/11/2023 18:06
Ý tưởng về việc hai quốc gia cùng tồn tại song song bị cản trở bởi diễn biến trên thực địa. Tuy vậy, mọi thứ đều có thể đảo ngược.
Giải pháp hai nhà nước trở lại bàn đàm phán nhằm chấm dứt xung đột Israel-Palestine - Ảnh 1.

Bức tường bê tông bao quanh Bờ Tây tại khu vực trại tị nạn Aida ở Bethlehem, ngày 12/11. Ảnh: El Pais

Chỉ những con chó lang thang, đói khát mới có thể vượt qua trạm kiểm soát Qalandia mà không phải xếp hàng chờ đợi hai tiếng đồng hồ trước bức tường bê tông cao 9 mét của Israel. Nó giống như một vết thương, ngăn cách Đông Jerusalem với vùng đất bao quanh - Bờ Tây.

Khi ngày 13/9 năm nay đánh dấu ba thập kỷ kể từ khi Hiệp định hòa bình Oslo được ký kết, hai vùng đất của người Palestine – được dự định một trở thành thủ đô và một là lãnh thổ của nhà nước Palestine - đã bị bức tường cắt đứt trong nhiều năm. Ngày nay, chính Israel, quốc gia mà Liên hợp quốc (LHQ) gọi là “quyền lực chiếm đóng” ở Gaza, Bờ Tây và Đông Jerusalem, mới quyết định liệu một người Palestine có thể vượt qua Qalandia để đi qua vùng đất của tổ tiên họ hay không. Trước khi Hamas tấn công Israel vào ngày 7/10 và Israel đáp trả bằng cuộc chiến ở Gaza, giải pháp hai nhà nước, từng được tôn vinh ở Oslo, đã bị chôn vùi, hoặc lãng quên. Tuy nhiên, trong bối cảnh xung đột hiện nay, con đường chính trị nhằm thành lập một nhà nước Palestine song song tồn tại với Israel đang trở lại bàn đàm phán.

Ngày 25/10, Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố ủng hộ giải pháp hai nhà nước và ông đã nhiều lần nhắc đến giải pháp này kể từ đó, gần đây nhất là vào ngày 18/11 trên tờ Washington Post. Ngày 27/10, Hội đồng châu Âu đã thông qua đề xuất của Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sánchez về việc tổ chức một hội nghị quốc tế nhằm tìm kiếm hòa bình giữa Israel và Palestine dựa trên “công thức” hai nhà nước. Ngay cả Giáo hoàng Francis cũng tham gia vào dòng quan điểm ủng hộ giải pháp hai nhà nước.

Tại Ramallah, thủ phủ của Bờ Tây, một quan chức của Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO) yêu cầu giấu tên nhắc lại đánh giá của ông Craig Mokhiber, người mới từ chức Cao uỷ LHQ về nhân quyền hồi tháng 10, rằng cuộc xung đột ở Dải Gaza đang khôi phục lại giải pháp hai nhà nước, dù Mỹ và châu Âu chưa bao giờ áp đặt việc áp dụng giải pháp này lên Israel. Thủ tướng Tây Ban Nha Sánchez hôm 23/11 đã ủng hộ một nhà nước Palestine “khả thi” trong cuộc gặp với Tổng thống Israel Isaac Herzog ở Jerusalem, nhưng quan chức PLO nói trên chỉ ra rằng “điều dễ dàng nhất mà Tây Ban Nha [nước giữ chức chủ tịch luân phiên của Liên minh Châu Âu] có thể làm để hướng tới mục tiêu đó là công nhận nhà nước Palestine.”

Vị quan chức Palestine cũng lưu ý rằng cả Tổng thống Biden và bất kỳ nhà lãnh đạo nào khác hiện đang nhắc đến con đường “hai nhà nước” đều không đề cập đến điều mà theo quan điểm của ông là “điều kiện không thể thiếu” đối với một Nhà nước Palestine tồn tại: đó là “Kết thúc sự chiếm đóng của Israel”.

Giải pháp hai nhà nước trở lại bàn đàm phán nhằm chấm dứt xung đột Israel-Palestine - Ảnh 2.

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu (trái) bắt tay Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sánchez (phải) bên cạnh Thủ tướng Bỉ Alexander De Croo trong cuộc gặp mới đây ở Jerusalem. Ảnh: AFP

Trở ngại thực tế

Vào năm 1947, một năm trước khi thành lập Nhà nước Israel, Liên hợp quốc đã thông qua kế hoạch phân chia quyền ủy trị của Anh đối với Palestine thành hai quốc gia. Trong sự phân chia bị người Palestine cho là bất công đó, 70% dân số Arab bản địa chỉ được cấp 45% đất đai, trong khi 30% dân số Do Thái được cấp 55%, một sự phân bổ mà các nước Arab bác bỏ, từ đó dẫn đến cuộc chiến tranh Arab - Israel đầu tiên vào năm 1948, và kết thúc là việc Israel chiếm 77% lãnh thổ. Năm 1967, sau cuộc Chiến tranh Sáu ngày, Israel kiểm soát nốt phần đất còn lại được Liên hợp quốc giao cho người Palestine.

Khi ký Hiệp định Oslo năm 1993-1995, PLO đã quyết định chỉ đàm phán về 22% lãnh thổ dành cho nhà nước Palestine; và đường biên giới trước năm 1967.

Đổi lại, Israel chấp nhận thành lập chính quyền tự trị lâm thời ở Gaza và Bờ Tây, do Chính quyền Quốc gia Palestine (PNA) quản lý, dự kiến tồn tại trong 5 năm nhưng cho đến nay vẫn duy trì ở Bờ Tây. Dải Gaza nằm dưới quyền điều hành của Hamas từ năm 2007. PNA chỉ giành được quyền kiểm soát một phần trong ba khu vực của lãnh thổ là A và B. Phần còn lại, chiếm 60% tổng diện tích đất đai, là Khu C, vẫn nằm dưới sự kiểm soát của Israel, bất chấp thực tế là Hiệp định Oslo đã quy định việc chuyển giao nó cho chính quyền Palestine.

Ông Isaías Barreñada, giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học Complutense ở Madrid, đánh giá rằng, trong ba thập kỷ kể từ khi ký kết khuôn khổ trên, “thực tế những việc đã rồi của Israel” cho thấy rằng Hiệp định Oslo không hề dẫn đến một nhà nước Palestine, mà “đã giúp Israel hợp pháp hóa, che đậy sự chiếm đóng của mình”.

Công cụ chính của chính sách này nhằm làm lu mờ giải pháp hai nhà nước là các khu định cư ở Đông Jerusalem và khu vực Bờ Tây mà Israel kiểm soát hoàn toàn. Năm 1993, khi Hiệp định Oslo được ký kết, số người định cư này vào khoảng 130.000 người. Còn ngày nay, theo Liên hợp quốc đã có gần 700.000 người. Một kế hoạch bị chính phủ của Thủ tướng Benjamin Netanyahu đóng băng vào tháng 7/2020 còn dự kiến ​​kết hợp các khu định cư này và những con đường được xây dựng phục vụ chúng vào lãnh thổ Israel - người Palestine bị cấm lái xe trên đó – và từ đó sáp nhập ít nhất 30% Bờ Tây.

Ignacio Álvarez-Ossorio, giáo sư nghiên cứu về Arab và Hồi giáo tại Đại học Complutense, cũng chỉ ra rằng một nhà nước Palestine trong tương lai sẽ không chỉ không có “không gian vật lý” mà còn không có “sự liên tục về lãnh thổ”, liên quan đến thực tế là hai khu vực của họ không tiếp giáp nhau. Chúng giống như những hòn đảo nhỏ được bao quanh bởi khu vực nằm dưới sự kiểm soát hoàn toàn của Israel. Chính quyền Palestine (PNA) cũng thiếu một số thuộc tính cơ bản của một nhà nước: kiểm soát lãnh thổ và dân cư, biên giới được xác định rõ ràng và độc quyền sử dụng vũ lực, vốn vẫn nằm trong tay Israel.

Giải pháp hai nhà nước trở lại bàn đàm phán nhằm chấm dứt xung đột Israel-Palestine - Ảnh 3.

Bờ Tây và Dải Gaza, hai vùng đất bị tách rời của Nhà nước Palestine tương lai. Ảnh: Invert

Theo các chuyên gia, thực tế hiện nay đã bổ sung thêm trở ngại đối với giải pháp hai nhà nước. Giáo sư Barreñada cho rằng, đầu tiên là cuộc chiến ở Gaza đã phá hỏng “bất kỳ cơ hội nào để các bên ngồi lại với nhau trong 50 năm tới”. Thứ hai là, “sự sẵn lòng đàm phán của các bên” sau chiến tranh đang bị “loại trừ”; giải pháp thay thế duy nhất sẽ là “điều tương tự như đã xảy ra ở Oslo; Mỹ buộc Israel phải đối thoại”.

Nhưng ông Barreñada cho rằng đây là khả năng “xa vời”, đồng thời chỉ ra rằng từ năm 1972 đến tháng 10/2023, Washington đã sử dụng quyền phủ quyết của mình tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc “34 lần” để tránh lên án Israel vì chiếm đóng Palestine.

Cần lực lượng ôn hoà ở cả hai bên

Nhưng Nadav Tamir, người đứng đầu các vấn đề quốc tế tại Trung tâm Hòa bình và Đổi mới Peres ở Tel Aviv, lạc quan hơn. “Điều mà ngày 7/10 đã cho tất cả chúng ta thấy là bạn không thể tiếp tục xung đột nữa, rằng nó cần phải được giải quyết”. Ông Tamir tin tưởng rằng “những người ôn hòa ở cả hai bên” sẽ đạt được một thỏa thuận mới và một trong những điều kiện cho việc này là “sự thay đổi chính phủ ở Israel, điều chắc chắn sẽ xảy ra sau thất bại lớn này, và các cuộc bầu cử ở Palestine trong đó một nhà lãnh đạo hợp pháp được bầu cho cả Gaza và Bờ Tây.”

Tuy nhiên, quan chức PLO giấu tên chia sẻ với El Pais lại không đồng ý: “Israel chưa bao giờ công nhận giải pháp hai nhà nước hay quyền của người dân Palestine. Đơn giản như việc hỏi một quan chức Israel xem họ có tin vào hai nhà nước hay không: họ có thể nói bất cứ điều gì họ muốn, nhưng chính sách chính thức là không có hai nhà nước, chỉ có một: Israel”.

Trong khi đó, Giáo sư Barreñada làm rõ rằng, bất chấp những khó khăn, “ý tưởng về hai quốc gia vẫn là một điểm tham chiếu nhưng nó đã mất đi tính thực tế vì được cho là ngày càng khó khăn”. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh rằng “một nhà nước của riêng họ là quyền không thể xâm phạm của người Palestine, như được quy định trong Nghị quyết 3236 của Liên hợp quốc năm 1974”. Ông lưu ý rằng các điều kiện thực tế gây khó khăn, nhưng “mọi thứ đều có thể đảo ngược”.

Nguồn tin: https://soha.vn

 Tags: Israel, palestine

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Đăng tin xế cưng phí
Đăng tin bán xế
So sánh xe
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây