Hòn đảo xấu xí 'lột xác'

Chủ nhật - 26/11/2023 06:05
Trước năm 2016, Redonda ở Caribbean là 'hòn đảo chết', không thảm thực vật và chỉ có đất đá lở, trượt rơi xuống biển.

Tuy nhiên, bằng nỗ lực tuyệt vời từ một tổ chức phi lợi nhuận mà bây giờ, nó xanh tươi và rộn ràng sự sống.

Đảo chuột xâm lấn

Redonda là hòn đảo không có người ở thuộc quần đảo Antiguan, rộng 0,48km, dài 1,6km và cao 295m. Trước năm 2016, nhìn từ xa, nó như một tảng đá nổi lên trên mặt biển.

Như mọi tảng đá, Redonda khô khốc, siêu cằn cỗi. Tuy nhiên, trước đây rất lâu, khi được nhà thám hiểm Christopher Columbus (1450 – 1506, Ý) phát hiện vào năm 1493, nó vô cùng xanh tươi, đích thực “đất lành chim đậu” vì có vô vàn đàn chim biển trú ngụ.

Lượng chim biển sống ở Redonda nhiều đến nỗi, vào thế kỷ XIX lấy phân chim sản xuất thuốc súng, nơi này là tâm điểm khai thác và buôn bán phân chim. Ở thời kỳ cao điểm, Redonda cung cấp tới 4 nghìn tấn/năm. Người ta gọi phân chim ở Redonda là “vàng trắng”, cật lực đào xúc đến tận khi hết sạch.

Sau Thế chiến I (1914 – 1918), Redonda mới thoát khỏi cảnh bị đào xới. Tuy nhiên, thảm họa hủy diệt của nó từ lúc này mới thật sự bắt đầu. Những động vật xâm lấn đã theo chân các thợ khai thác đến đây như chuột đen và dê hoang sinh sản bùng nổ, giết chết các loài địa phương và ăn sạch thảm thực vật.

Cuối cùng, cây cối trên Redonda bị ăn trụi lốc. Mặt đất Redonda không còn được thực vật níu giữ, lở ra và trượt xuống biển, hủy hoại hệ sinh thái ven bờ.

Trước một Redonda “chết”, chim biển không quay lại làm tổ. Dê hoang rơi vào cảnh chết đói, xương khô và xác của chúng rải khắp nơi. Chuột là sinh vật duy nhất thích nghi, nhanh chóng trở thành “vua” của Redonda.

Suốt cả thế kỷ, Redonda chỉ nhung nhúc chuột. Năm 2016, nhóm Nhận thức Môi trường (Environmental Awareness Group – EAG) quyết tâm cứu Redonda. Bước đầu khảo sát, họ ước tính trên hòn đảo nhỏ xíu này có khoảng 6 nghìn con chuột và 60 con dê.

Hòn đảo xấu xí lột xác - Ảnh 1.

Cô Johnella Bradshaw tươi cười trước Redonda đã khôi phục thảm thực vật. Ảnh: Edition.cnn.com

Diệt để cứu

Đối với hệ sinh thái Redonda, cả chuột lẫn dê đều chỉ là loài xâm lấn gây hại. Suốt 2 năm, EAG tích cực săn và diệt toàn bộ.

“Tất cả những gì chúng tôi đã làm chỉ là loại bỏ những loài lẽ ra không nên có ở đó và, chỉ sau vài tháng, chúng tôi đã thấy thảm thực vật hồi sinh”, điều phối viên của EAG, Johnella Bradshaw kể lại.

TIN LIÊN QUAN
  • Quan Vũ chết trận, Lưu Bị đại bại, vì sao Tào Phi không đánh Thục Hán? 22 năm sau Tư Mã Ý mới hiểu

  • Kỳ lạ 'bệ phóng tên lửa' chỉ làm bằng đất giữa núi rừng suốt nghìn năm, người Trung Quốc coi là quốc bảo

  • 4 cao nhân có uy danh và địa vị vượt xa hoàng đế, người đầu tiên khiến Chu Nguyên Chương hễ gặp là quỳ

Theo ước đoán của các nhà nghiên cứu, sinh khối thực vật ở Redonda đã tăng hẳn 2.000% và 15 loài chim đã quay trở lại, trong đó có chim cốc biển đen và chim ưng, đặc biệt là chim ưng nâu quý hiếm.

Không còn chuột, loài thằn lằn đặc hữu của Redonda - rồng đất Redonda cực kỳ nguy cấp cũng hồi phục. Theo báo cáo, hiện tại, chúng đã tăng gấp 13 lần so với năm 2017.

Sự hồi phục của hệ sinh thái trên đảo Redonda cũng tác động tích cực đến hệ sinh thái ven biển xung quanh. Tháng 9/2022, chính phủ quần đảo Antiguan chính thức quy hoạch 30 nghìn ha đất liền, mặt biển và 180 km2 rạn san hô xung quanh Redonda thành Khu Bảo tồn Sinh thái Redonda.

“Tính đến thời điểm hiện tại, chúng tôi chưa hề trồng bất cứ cây gì hay thả bất cứ loài nào. Tất cả những gì chúng tôi làm chỉ là diệt chuột và di dời dê, rồi hòn đảo tự mình lột xác ngay trước mắt”, cô Bradshaw tự hào.

Lan truyền cảm hứng bảo tồn

Bây giờ, Redonda không còn chút dáng vẻ nào của “hòn đảo chết”. Đâu đâu trên hòn đảo cũng là màu xanh và âm thanh rộn ràng của sự sống.

Mặc dù, các đảo Caribbean chỉ chiếm 0,15% diện tích đất liền Trái đất, nhưng lại chiếm ít nhất 10% tổng số vụ tuyệt chủng của các loài chim, 40% tổng số vụ tuyệt chủng của các loài động vật có vú và hơn 60% tổng số vụ tuyệt chủng của các loài bò sát kể từ năm 1500 đến nay. Có thể nói, Caribbean chính là tâm chấn của tuyệt chủng toàn cầu.

Quan sát và nghiên cứu sinh học chỉ ra, nguyên nhân chính của mất đa dạng sinh học bản địa là các loài xâm lấn. Việc diệt sạch các loài này vô cùng khó khăn. Cho dù là trên hòn đảo nhỏ xíu Redonda, EAG cũng phải làm việc cật lực suốt 2 tháng trời mới xong.

Hòn đảo xấu xí lột xác - Ảnh 3.

Giờ đây, Redonda không chỉ xanh tốt, mà còn rợp bóng chim. Ảnh: Edition.cnn.com

“Trước khi chúng tôi dọn sạch dê và chuột, trên Redonda chỉ có đúng một cây và một loài chim”, cô Bradshaw nhớ lại. Thắng lợi của EAG không chỉ của một mình nhóm, mà còn là thắng lợi chung của nhiều tổ chức quốc tế như Fauna & Flora, Re:wild… đồng tham gia, hỗ trợ.

Theo báo cáo mới nhất, 30 loài bị đe dọa và sắp bị đe dọa đang được bảo vệ an toàn, tự do sinh sôi nảy nở. Mọi người ngời ngợi hy vọng, Redonda chính là cảm hứng khơi gợi tinh thần khôi phục và bảo vệ thế giới tự nhiên.

Hiện, EAG đang tìm kiếm và thực hiện các biện pháp an toàn sinh học nhằm hạn chế nguy cơ bị tái xâm lấn. Họ cũng tính toán đến việc thả các loài bản địa như cự đà, cú đào hang.

Tất cả thuyền và người vào Khu Bảo tồn Sinh thái Redonda đều phải trải qua quy trình kiểm tra kỹ lưỡng, đảm bảo không vô tình mang theo bất cứ con chuột hay hạt giống xâm lấn nào.

“Mục tiêu của chúng tôi là hồi phục thêm nhiều “hòn đảo chết” khác.

Redonda chính là bằng chứng cho thấy, mẹ thiên nhiên có thể tự khôi phục mạnh mẽ đến mức nào nếu được giúp một tay”, cô Bradshaw kết luận.

Với các quốc đảo nhỏ và đang phát triển, đa dạng sinh học chính là sự sống còn. Mọi hòn đảo đều phải được bảo vệ, giúp đỡ để cứng cỏi hơn trước biến đổi khí hậu, ô nhiễm, xâm lấn và các tác động khác. Chỉ có như thế, Trái đất mới an toàn.

Theo CNN

Xem thêm:

Tin liên quan

Đâu là âm thanh lớn nhất trên thế giới? 50 địa điểm vòng quanh Trái Đất đều nghe thấy

Nguồn tin: https://soha.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Đăng tin xế cưng phí
Đăng tin bán xế
So sánh xe
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây