Thông tin liên hệ
- 0903 177 877
- hotro@xecung.com.vn
Dù đổi tên cũng khá tốn kém và cần thay đổi nhiều giấy tờ, nhiều người cho rằng đây là cái giá xứng đáng.
Cô gái 20 tuổi Sarocha cảm thấy như mình đang ở đáy vực sâu tuyệt vọng sau khi gặp hàng loạt việc đen đủi trong cuộc đời, đặc biệt trong đời sống tình cảm.
Với hy vọng thoát ra khỏi vòng xoáy đau khổ và cuối cùng tìm được "Mr. Right", cô quyết định đặt một cái tên "tốt lành" hơn để có thể thay đổi vận mệnh.
"Sau khi bố mẹ ly hôn, tôi đã trải qua nhiều mối tình nào nhưng cái nào cũng tồi tệ. Tôi đến gặp thầy bói, thầy bảo rằng chính cái tên của tôi là nguyên nhân vấn đề", Sarocha, hiện 31 tuổi, người Bangkok, kể lại.
Nhiều người dân Thái Lan tin một cái tên mới sẽ giúp họ có được may mắn sau thất bại với tên cũ.
Lựa chọn đổi tên với hy vọng nó có thể cải thiện triển vọng trong tương lai nghe có vẻ khá lạ với nhiều quốc gia, nhưng đây là một điều phổ biến từ lâu ở Thái Lan. Một số người Thái thậm chí còn chọn thay đổi đồng thời cả họ và tên.
Có nhiều lý do buộc người Thái Lan đổi tên, từ mắc bệnh mạn tính tới khó khăn tài chính hay sự nghiệp trì trệ. Người Thái có thể quyết định đổi từ lúc còn nhỏ hay sau khi trưởng thành.
Trong khi một số nước như Iceland hay Đan Mạch có danh sách tên được phép chọn, thì hầu hết người Thái Lan thường tham khảo ý kiến của thầy bói hoặc sư thầy để xin cái tên phù hợp, mang ý nghĩa tốt lành.
Khi Somchart lần đầu tiên quan tâm đến chiêm tinh học, ông đã vội vàng đổi tên của mình và gia đình mình với kỳ vọng sẽ tăng thêm may mắn cho họ.
Sau khi nghiên cứu kỹ lý thuyết và phong tục tập quán, người đàn ông 63 tuổi nhận ra rằng mình đã mắc sai lầm khi đổi tên cho vợ và con mình.
Việc xem thầy bói để đổi tên ăn sâu vào văn hóa Thái Lan.
Ông đã không nhận thấy rằng một ngày mới bắt đầu lúc 6 giờ sáng, theo chiêm tinh học Thái Lan. "Đổi tên hai hoặc ba lần không có gì lạ cả. Tôi có một số người bạn đã đổi tên năm hoặc thậm chí sáu lần", Somchart nói với DW.
Đổi tên liên tục có thể gây nhầm lẫn ở quốc gia khác nhưng người Thái Lan thường gọi nhau bằng biệt danh được đặt từ khi ra đời. Biệt danh này không đổi và hoàn toàn không giống tên khai sinh chính thức. Tên khai sinh chỉ được sử dụng trong văn bản hay sự kiện chính thức.
Somchart, giống như nhiều đồng nghiệp của mình, tuân theo kinh sách cổ Tamra Taksa, một hướng dẫn đặt tên theo những chữ cái nào được coi là tốt hay xấu dựa theo ngày sinh trong tuần. Ví dụ người sinh vào thứ hai nên đặt tên không có nguyên âm để tránh những điều xui xẻo.
Mọi người trong gia đình Somchart đều có những cái tên độc đáo và khá phức tạp vì mỗi chữ cái được chọn cẩn thận dựa trên các thuộc tính tốt lành liên quan đến ngày sinh của họ.
Các chữ cái dựa trên chiêm tinh học Thái Lan và được chia thành 8 nhóm: quan hệ, sức khỏe, quyền lực, danh dự, sự giàu có, siêng năng, người bảo trợ và bất hạnh. "Có một phương pháp để đổi tên, tôi không chọn tên một cách ngẫu nhiên", Somchart, người có tên hiện tại là Kichthanaphong, nói.
Khi được hỏi liệu ông ấy có thể thay đổi tên của mình một lần nữa hay không, Somchart nói rằng ông sẽ thay đổi họ để tưởng nhớ cha mẹ quá cố của mình.
Việc chuyển tên đổi họ cũng không có gì mới đối với nhân viên bất động sản 31 tuổi Nasipas.
Mẹ cô đã đổi tên hai lần, lần đầu sau khi ly hôn và lần thứ hai sau khi một thầy bói cảnh báo bà sẽ qua đời trước sinh nhật năm đó.
Ban đầu Nasipas do dự khi một thầy bói cảnh báo rằng họ của cô vào thời điểm đó là đặc biệt không tốt và khuyên cô nên thay đổi.
"Thay đổi họ của tôi cảm thấy giống như một vấn đề lớn ... nhưng ông thầy đã thuyết phục tôi: họ giống như đất trong khi tên giống như cây. Nếu đất không tốt, cây sẽ không thể phát triển", Nasipas nói với DW.
Toàn bộ quá trình thuê người và chính thức chuyển đổi tên đều có giá của nó.
Thầy bói ở đền Wat Mahabut ở Bangkok, Thái Lan.
Nasipas đã trả khoảng 80 USD cho dịch vụ thuê người đặt tên và 5 USD để đăng ký họ và tên mới của mình trong hồ sơ chính thức. Ở một quốc gia có mức lương tối thiểu hàng ngày là 11USD, việc đổi tên không phải là ưu tiên đối với những người đang phải vật lộn để kiếm sống.
Trái ngược với nhiều quốc gia khác, quy trình đổi tên ở Thái Lan rất đơn giản. Chỉ cần hai giấy tờ: bản sao hộ khẩu và chứng minh thư nhân dân - cả hai đều được thay đổi ngay tại chỗ.
Mặc dù có vô số lựa chọn cho một cái tên mới, tuy nhiên, Đạo luật Tên người cấm đổi họ trùng hay tương tự danh xưng của Nhà vua hay Hoàng hậu.
Những người thay đổi tên được yêu cầu cập nhật một loạt các tài liệu pháp lý để phản ánh việc thay đổi tên trong các tài liệu chính thức như hộ chiếu, bằng lái xe và tài khoản ngân hàng… Nhưng trước triển vọng về một tương lai tốt đẹp hơn, nhiều người cho rằng điều này là đáng giá.
Một vài năm sau khi Nasipas có tên mới, cô ấy nói rằng cuộc sống của mình đã được cải thiện đáng kể.
"Ngay cả bây giờ, khi đại dịch đang hoành hành, các đại lý bất động sản phải vật lộn kiếm hoa hồng, tôi vẫn thoải mái về tài chính và không bao giờ thiếu khách hàng", cô nói.
Ngoài việc đổi tên, Nasipas còn mua một số điện thoại di động và biển số ô-tô và cũng đã bắt đầu đeo một chiếc bùa may mắn. "Tôi không thể xác định chính xác cái nào khiến cuộc sống của tôi tốt hơn", cô nói.
Nhưng Sarocha thì khác.
Cô rất thất vọng sau khi đổi tên thành Pachiraporn. Nó đã không khiến cuộc sống của cô trở nên tốt hơn nhiều như cô kỳ vọng. Tuy nhiên, cô vẫn lạc quan và quyết định lại đổi tên lần nữa sau 3 năm. Lần này, cô gái 30 tuổi muốn cải thiện triển vọng nghề nghiệp.
"Một người bạn làm cùng ngành đã kiếm tiền rất tốt sau khi đổi tên. Cô ấy đã giới thiệu thầy bói này cho tôi, nên tôi nghĩ, tại sao không đổi tên lần nữa?", Sarocha nói và cho biết cuộc sống của cô đã "nở hoa" sau khi đổi tên lần thứ hai nhưng nói thêm rằng việc đổi tên không phải là nguyên nhân trực tiếp.
"Tôi tin vào luật hấp dẫn - suy nghĩ của bạn mang những gì bạn muốn vào cuộc sống của bạn. Hạt giống mà bạn gieo vào tinh thần sẽ kích hoạt tiềm thức để biến mục tiêu đó thành hiện thực", cô nói.
Nguồn tin: https://soha.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn