Thông tin liên hệ
- 0903 177 877
- hotro@xecung.com.vn
Ngày 18/6, tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Công Thành đã chủ trì cuộc họp trực tuyến Ban Chỉ đạo triển khai Đề án “Cảnh báo sớm trượt, sạt lở đất đá, lũ bùn đá, lũ ống, lũ quét khu vực miền núi, trung du Việt Nam”.
Thứ trưởng Lê Công Thành nhấn mạnh, Đề án là một gói tổng thể bảo đảm tính thực tiễn, giải quyết thể chế, tổ chức, khoa học và công nghệ. Phải đặt mục tiêu giảm được tỷ lệ sạt lở trong 10 năm tới, tập trung làm điểm chứ không làm trên diện rộng.
Ông Lê Quốc Hùng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam- đơn vị chủ trì Đề án cho biết, khoảng 70% khối lượng kết quả công tác điều tra tình trạng trượt lở, các thông tin liên quan đến địa chất, địa mạo, địa hình, đặc điểm đới phá hủy, địa chất thủy văn, địa chất công trình… đã được hoàn thiện. Đây là cơ sở để Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam đưa ra các điều tra đánh giá tổng hợp, xây dựng bản đồ phân vùng cảnh báo nguy cơ có độ tin cậy cao.
Trong đó, 2 dự án lớn đã thực hiện là: Dự án Phân vùng lũ quét do Viện Khoa học Khí tượng thủy văn và Biến đổi khí hậu (KTTV&BĐKH) chủ trì, chủ yếu làm cho 14 tỉnh miền núi phía Bắc tỷ lệ 1:100.000; nguy cơ lũ quét cho 23 lưu vực sông chính, 19 tỉnh miền Trung-Tây Nguyên tỷ lệ 1:50.000. Dự án Phân vùng sạt lở đất do Viện Khoa học Địa chất khoáng sản chủ trì, tỷ lệ 1:50.000 trên 25 tỉnh từ miền núi phía Bắc đến Quảng Ngãi, tỷ lệ 1:10.000 cho 64 xã trọng điểm.
Thực tế, các hệ thống cảnh báo lũ quét, sạt lở đất của Ủy hội sông Mekong quốc tế; hệ thống của 2 viện Khoa học KTTV&BĐKH và địa chất khoáng sản đang được thực hiện. Tổng cục KTTV đang sử dụng các hệ thống này để thực hiện nghiệp vụ cảnh báo lũ quét, sạt lở đất. Ngoài ra, một số tỉnh như Hà Giang, Sơn La, Mù Căng Chải, Hòa Bình, Lào Cai đã được hỗ trợ thí điểm hệ thống công trình cảnh báo sớm cho từ 1-3 xã có nguy cơ cao.
Tổng cục KTTV đang đề xuất thực hiện dự án Phân vùng rủi ro thiên tai và lập bản đồ cảnh báo lũ quét sạt lở đất, sụt lún đất do mưa tại khu vực trung du và miền núi theo Quyết định 705 của Thủ tướng Chính phủ. Viện Khoa học KTTV&BĐKH cũng đang đề xuất với Bộ KH&CN Dự án tăng cường công tác nghiên cứu, áp dụng công nghệ hiện đại trong công tác cảnh báo sớm lũ quét, sạt lở đất, nguồn vốn sự nghiệp khoa học.
Theo ông Lê Quốc Hùng, trước đây, các đề tài, nhiệm vụ khoa học công nghệ thường chia ra 2 khía cạnh trượt lở và lũ quét. Hiện tại, trượt lở và lũ quét có thể xem như hiện tượng đa thiên tai cùng xảy ra trên bề mặt đất và chung yếu tố kích hoạt là mưa.
Sau khi đánh giá hiệu quả và nhìn nhận lại các đề án, đề tài nói chung, Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam nhận định, Đề án “Cảnh báo sớm trượt, sạt lở đất đá, lũ bùn đá, lũ ống, lũ quét khu vực miền núi, trung du Việt Nam” nếu có sự kết hợp trượt lở và lũ quét sẽ đem lại hiệu quả cao hơn. Cách tiếp cận Đề án cũng thay đổi nhiều với sự hỗ trợ của công nghệ thông tin trong truyền tin, quản lý, tích hợp số liệu, dữ liệu.
Thứ trưởng Lê Công Thành đề nghị, Ban Chỉ đạo Đề án tiếp tục rà soát để đầu năm sau có kết quả sơ bộ các điểm trọng điểm để tập trung triển khai. Các đề tài, nhiệm vụ thay vì nghiên cứu làm ra mô hình hệ thống cảnh báo sẽ mua các thiết bị để lắp thành các mô hình thực tế, từ đó đưa vào văn bản hướng dẫn các địa phương sử dụng. Tất cả các đề tài, dự án khi thực hiện đều phải có các đơn vị, đặc biệt là địa phương sử dụng được ngay. Từ mỗi sản phẩm đề tài, dự án phải ra được văn bản quản lý Nhà nước và phải được cơ quan quản lý Nhà nước chấp nhận.
Thu Cúc
Nguồn tin: http://baochinhphu.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn