Thông tin liên hệ
- 0903 177 877
- hotro@xecung.com.vn
Khó khăn do COVID-19, tín dụng vẫn tăng trưởng tốt
Ông Đào Minh Tú - Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết: Tính đến ngày 15/6, tín dụng toàn nền kinh tế tăng 5,1% so với cuối năm 2020 (cùng kỳ năm 2020 tăng 2,26%).
Theo thống kê của NHNN, mặt bằng lãi suất huy động và cho vay tháng 4 giảm khoảng 0,3%/năm so với tháng 12/2020. Lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND thuộc một số ngành, lĩnh vực ưu tiên ở mức 4,5%/năm; lãi suất cho vay USD bình quân ở mức 3,0-6,0%/năm.
NHNN nhất quán chủ trương điều hành linh hoạt các công cụ chính sách tiền tệ, duy trì thanh khoản hệ thống; đồng bộ các giải pháp tiền tệ, tín dụng, thanh khoản góp phần ổn định thị trường và phục hồi tăng trưởng trước các tác động khó lường của dịch COVID-19. Đến ngày 15/6, tổng phương tiện thanh toán M2 tăng 3,96% so với cuối năm 2020 và tăng 14,27% so với cùng kỳ năm 2020.
Trong điều hành tín dụng, NHNN tiếp tục thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn trong tiếp cận tín dụng ngân hàng, tạo điều kiện thuận lợi trong vay vốn tín dụng ngân hàng cho doanh nghiệp và người dân. Với các giải pháp điều hành đồng bộ, đến ngày 15/6, tín dụng toàn nền kinh tế tăng 5,1% so với cuối năm 2020 (cùng kỳ năm 2020 tăng 2,26%).
Đặc biệt, để tiếp tục hỗ trợ khách hàng khắc phục khó khăn do ảnh hưởng của dịch, theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, NHNN đã ban hành Thông tư 03/2021/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung Thông tư 01/2020/TT-NHNN quy định về tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng do dịch COVID-19.
Về cơ chế, NHNN sẽ tiếp tục phối hợp với bộ, ngành liên quan đề xuất, triển khai chính sách cho vay hỗ trợ trả lương cho người lao động do bị ngừng việc, gián đoạn sản xuất do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19; kiểm soát chặt tín dụng trong lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.
Còn ông Phạm Tiến Dũng, Vụ trưởng Vụ Thanh toán cho biết, trong những tháng đầu năm 2021, dù bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, hoạt động thanh toán trong nền kinh tế vẫn diễn ra an toàn, hiệu quả, thông suốt. Các chương trình miễn, giảm phí dịch vụ thanh toán vẫn tiếp tục được Ngân hàng Nhà nước và các tổ chức tín dụng triển khai nhằm phục vụ tốt nhất nhu cầu thanh toán trực tuyến và hỗ trợ người dân, doanh nghiệp đối phó với dịch bệnh, góp phần bảo đảm an sinh xã hội và đời sống nhân dân.
Đến cuối tháng 4/2021 cả nước có trên 79 tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán triển khai thanh toán qua Internet và 44 tổ chức thanh toán qua điện thoại di động. Trong 4 tháng đầu năm 2021, thanh toán điện tử qua Internet, điện thoại di động, QR Code đạt kết quả đáng ghi nhận, thu hút số lượng lớn khách hàng sử dụng. “So với cùng kỳ 4 tháng đầu năm 2020, giao dịch qua kênh Internet tăng tương ứng 65,9% về số lượng, 31,2% về giá trị; giao dịch qua kênh điện thoại di động tăng tương ứng 86,3% về số lượng, 123,1% về giá trị; giao dịch qua kênh QR Code tăng tương ứng 95,7% về số lượng, 181,5% về giá trị”, ông Phạm Tiến Dũng cho hay.
Kiểm soát chặt, hướng dòng vốn đến đúng địa chỉ
Ông Nguyễn Tuấn Anh, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, NHNN cho biết, nhìn xu thế tăng trưởng của thị trường bất động sản và tăng trưởng tín dụng vào lĩnh vực bất động sản thì thấy tín dụng vào lĩnh vực này đã có xu hướng giảm.
Đến hết tháng 4, tăng trưởng tín dụng vào lĩnh vực bất động sản đạt 4,83%, thấp hơn mức tăng trưởng tín dụng chung toàn nền kinh tế. Ông Tuấn Anh cho biết, hết tháng 6, tăng trưởng tín dụng vào bất động sản sẽ không tăng mạnh, vẫn nằm trong lĩnh vực được NHNN kiểm soát rất chặt chẽ.
Giải đáp băn khoăn về thị trường bất động sản có dấu hiệu tăng trưởng nóng, ông Nguyễn Tuấn Anh cho biết, trong hai tháng là tháng 3 và tháng 4, bất động sản tăng nóng, đặc biệt là phân khúc đất nền. Do đó, Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt, NHNN cũng đã tổ chức hội nghị, phân tích và cảnh báo rủi ro tín dụng vào bất động sản, chứng khoán và trái phiếu doanh nghiệp.
“Đến hiện tại, theo thông tin NHNN nhận được thì giá đất nền tại một số địa phương đã giảm nhiều, thị trường đã dần được kiểm soát và ổn định hơn, mức tăng trưởng tín dụng trong tầm kiểm soát”, ông Tuấn Anh nói.
“Thời gian qua, giá chứng khoán biến động. Tới đây, NHNN tiếp tục có giải pháp giám sát chặt”, ông Tuấn Anh nói.
Với trái phiếu doanh nghiệp, số liệu từ NHNN cho thấy, dư nợ hiện nay là 257.700 tỷ đồng, chiếm 2,6% tổng dư nợ; đến hết tháng 6 sẽ chỉ tăng thêm khoảng 2.000 tỷ đồng. Ông Tuấn Anh đánh giá đây không phải là tỉ lệ quá lớn nhưng hoạt động mua trái phiếu doanh nghiệp khá nhạy cảm và NHNN coi đây là một trong những lĩnh vực cần giám sát kiểm tra chặt chẽ.
“Tinh thần là không chủ quan và NHNN sẽ giám sát dòng tiền đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp thời gian tới”, ông Tuấn Anh khẳng định.
Nêu quan điểm về vấn đề này, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết, thị trường tiền tệ, chứng khoán và bất động sản đều có mối liên hệ theo nguyên lý thông nhau. Quan trọng là phải đạt mục tiêu chung là thúc đẩy các thị trường phát triển lành mạnh, an toàn, không để tình trạng “bong bóng”. Để đạt được điều đó, cần có sự phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan quản lý như NHNN, Bộ Tài chính… Lãnh đạo NHNN cho biết: Từ nay tới cuối năm, NHNN tiếp tục điều hành lãi suất phù hợp với điều hành cân đối vĩ mô, lạm phát, diễn biến thị trường và mục tiêu chính sách tiền tệ tạo điều kiện giảm chi phí vốn cho người dân, doanh nghiệp và nền kinh tế, đẩy mạnh triển khai đồng bộ các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 phục hồi sản xuất kinh doanh.
Phó Thống đốc cũng đề nghị các tổ chức tín dụng tăng cường kiểm soát chất lượng tín dụng, trích lập dự phòng rủi ro đầy đủ theo quy định pháp luật, tích cực triển khai các biện pháp kiểm soát và hạn chế nợ xấu phát sinh nhằm đưa tỉ lệ nợ xấu nội bảng về mức an toàn.
Ngoài ra, NHNN đẩy mạnh triển khai đồng bộ các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 phục hồi sản xuất kinh doanh; tiếp tục phối hợp với bộ, ngành liên quan đề xuất, triển khai chính sách cho vay hỗ trợ trả lương cho người lao động do bị ngừng việc, gián đoạn sản xuất vì ảnh hưởng của COVID-19.
Đặc biệt, ngành ngân hàng sẽ kiểm soát chặt tín dụng trong lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như bất động sản, các dự án BOT, BT giao thông, chứng khoán; chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong việc tiếp cận tín dụng, đáp ứng nhu cầu hợp pháp của người dân, góp phần hạn chế “tín dụng đen".
“Tình hình tăng trưởng tín dụng khá mạnh, có đến khoảng 10 ngân hàng đang mong muốn nới chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng nhưng NHNN vẫn đang cân nhắc, bảo đảm tăng trưởng có chất lượng, hài hòa với nền kinh tế”, Phó Thống đốc nói.
Huy Thắng
Nguồn tin: http://baochinhphu.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn