Thông tin liên hệ
- 0903 177 877
- hotro@xecung.com.vn
Chống quá tải cho khu cách ly tập trung
Trong đợt dịch thứ tư, tại nhiều cuộc họp BCĐ quốc gia phòng chống dịch COVID-19, phương án thí điểm cách ly F1 tại nhà đã được thảo luận kỹ, xem xét dưới nhiều góc độ theo hướng cách ly những F1 nguy cơ thấp tại nhà. Trước hết, việc thí điểm áp dụng ở những gia đình đáp ứng được các điều kiện cơ bản như có phòng riêng, có khoảng cách với những nhà lân cận… kết hợp giám sát bằng công nghệ, khuyến khích cộng đồng cùng tham gia.
Việc thí điểm cách ly F1 tại nhà, nơi lưu trú đã được triển khai tại tỉnh Bắc Giang trong đợt dịch vừa qua. Trong bối cảnh dịch bệnh xảy ra trong các khu công nghiệp, cùng lúc phải cách ly hàng nghìn công nhân, việc cách ly F1 tại nhà nhằm giảm tải cho khu cách ly tập trung.
Theo Sở Y tế tỉnh Bắc Giang, trong quá trình triển khai thí điểm phải thực hiện nghiêm các nguyên tắc phòng, chống dịch, đặc biệt, phát huy ý thức tự giác của người được cách ly trong việc thường xuyên đeo khẩu trang, không tiếp xúc với người trong gia đình, thực hiện khử khuẩn, không đi ra khỏi nhà...
Cùng với đó, lực lượng giám sát những người cách ly tại nhà (như tổ COVID-19 cộng đồng, lực lượng y tế, bộ đội, công an của địa phương…) có ý thức, thực hiện nghiêm các quy định. Tại Bắc Giang, chính quyền một số địa phương đã không kiểm soát hết hành vi của công nhân tại khu nhà trọ - nơi các phòng ở liền nhau, lối đi hẹp, dùng chung nhà vệ sinh và khu nấu ăn... dễ dẫn đến lây nhiễm chéo nếu có ca F0.
Từ kinh nghiệm thực tế, tỉnh Bắc Giang kiến nghị, việc thực hiện cách ly F1 tại nhà, nơi lưu trú, nhà trọ chỉ nên áp dụng đối với những nơi có đủ điều kiện về cơ sở hạ tầng (phòng riêng thông thoáng, nhà vệ sinh riêng…), số lượng công nhân ít, mật độ dân số thưa. Trường hợp xảy ra dịch, địa phương chưa chuẩn bị kịp các khu cách ly tập trung, có thể áp dụng tạm thời mô hình này trong thời gian ngắn.
Liên quan đến vấn đề này, PGS.TS. Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương khuyến cáo, để đảm bảo an toàn, trường hợp F1 cũng như các thành viên trong gia đình phải có hiểu biết cơ bản về dịch bệnh, có thái độ nghiêm túc trong việc thực hiện các hướng dẫn, quy định. Bên cạnh đó, một trong những điều kiện cần thiết để thực hiện cách ly F1 tại nhà là phải có phòng riêng và hệ thống, chế tài giám sát việc thực hiện các quy định phòng, chống dịch khi cách ly tại nhà.
Nhấn mạnh “phải phân công rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm”, PGS.TS. Nguyễn Viết Nhung khẳng định: “Cách ly tại nhà không có nghĩa không sử dụng các khu cách ly tập trung. Đây là việc phối hợp để chia sẻ, giảm tải cho toàn hệ thống và các lực lượng để đạt hiệu quả chống dịch cao nhất”.
Đảm bảo đầy đủ điều kiện cơ sở vật chất
Bà Nguyễn Liên Hương, Cục trưởng Cục Quản lý môi trường y tế (Bộ Y tế) cho biết, việc cách ly y tế tại nhà, nơi lưu trú đã được Bộ Y tế hướng dẫn thực hiện ngay từ tháng 3/2020 dành cho trường hợp F2. Sau đó, Bộ đã ban hành thêm các hướng dẫn cách ly tại nhà, nơi lưu trú đối với tổ bay và phi công trên các chuyến bay từ Việt Nam đến các nước, trẻ em dưới 15 tuổi là F1, công nhân là F1 khi năng lực các cơ sở cách ly tập trung không đáp ứng được.
“Qua thời gian thực hiện cách ly trẻ em tại nhà cho thấy, các điều kiện để được cách ly tại nhà như nhà ở riêng biệt (biệt thự, nhà ở liền kề, nhà ở độc lập), có phòng riêng khép kín, tách biệt với khu sinh hoạt gia đình, không có khả năng lây nhiễm. Đến nay, chưa có địa phương phản ánh về khó khăn trong quá trình thực hiện. Tuy nhiên với biến chủng mới của virus lây lan nhanh, nguy cơ lây nhiễm lớn, việc cách ly tại nhà phải đáp ứng chặt chẽ các điều kiện để đảm bảo an toàn phòng, chống dịch”, bà Nguyễn Liên Hương nhấn mạnh.
Quá trình thực hiện các hướng dẫn đã ban hành cũng như từ thực tiễn thí điểm tại Bắc Giang vừa qua, Bộ Y tế tiếp tục ban hành hướng dẫn cách ly y tế tại nhà cho đối tượng thuộc diện F1, để UBND TPHCM xem xét, áp dụng thí điểm trên địa bàn, tương tự với điều kiện cách ly đối với trẻ em thuộc diện F1.
Cần giám sát rất chặt chẽ
Theo Cục trưởng Quản lý môi trường y tế, việc cách ly F1 tại nhà sẽ có một số thuận lợi cho địa phương thực hiện cũng như người thuộc diện cách ly. Cụ thể, khi các khu cách ly tập trung quá tải, việc cách ly tại nhà sẽ là một trong những giải pháp giảm tải cho các khu vực này. Nếu có đủ điều kiện đáp ứng, các F1 có thể được cách ly tại nhà. Việc cách ly tại nhà sẽ giảm nguy cơ lây nhiễm chéo khi các khu cách ly tập trung bị quá tải, hoặc khu cách ly được cải tạo từ trường học, khu nhà văn phòng phải sử dụng khu vệ sinh chung, không đạt yêu cầu phòng, chống dịch. Ngoài ra, người cách ly tại nhà có điều kiện sinh hoạt tốt hơn trong suốt thời gian theo quy định.
Tuy nhiên, bà Nguyễn Liên Hương chia sẻ, cách ly tại nhà có thể gặp một số khó khăn do biến chủng mới của SARS-CoV-2, bao gồm cả biến chủng của Ấn Độ và Anh, có khả năng lây lan nhanh nên nguy cơ lây nhiễm cao. Nếu người cách ly không tuân thủ nghiêm các quy định phòng, chống dịch sẽ làm lây lan cho người ở cùng và cộng đồng.
Mặt khác, việc cách ly F1 tại nhà cần sự giám sát rất chặt chẽ của chính quyền địa phương. Do các F1 không ở tập trung một nơi mà rải rác nhiều nơi trên địa bàn, chính quyền địa phương phải bố trí nhiều cán bộ (y tế, công an, quân đội…) để theo dõi, giám sát chặt chẽ, đảm bảo không lây lan cộng đồng.
“Đặc biệt ở khâu giám sát, nếu không đủ người và không giám sát chặt chẽ, trong trường hợp người cách ly không tuân thủ quy định, tự ý ra khỏi nhà và tiếp xúc với người khác, nguy cơ lây nhiễm rất cao”, Cục trưởng Quản lý môi trường y tế cảnh báo.
Thúy Hà - Đình Nam
Nguồn tin: http://baochinhphu.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn