Thông tin liên hệ
- 0903 177 877
- hotro@xecung.com.vn
Đối với dữ liệu thu thập được 28 ngày sau khi tiêm liều thứ nhất (7 ngày sau liều thứ hai), hiệu quả của vaccine Sputnik V được ghi nhận là 91,4%.
Hiện có khoảng 40.000 tình nguyện viên tham gia thử nghiệm Sputnik V giai đoạn ba, trong đó hơn 22.000 người đã tiêm liều đầu tiên và khoảng 19.000 người đã tiêm cả 2 liều. Tính toán trên dựa trên phân tích dữ liệu đối với những tình nguyện viên đã tiêm cả 2 liều và chưa có bất kỳ sự cố nào xảy ra trong quá trình thử nghiệm và công tác giám sát vẫn được duy trì.
Các nhà phát triển vaccine này cho biết thêm rằng Sputnik V dự kiến có giá dưới 10 USD trên thị trường quốc tế và miễn phí cho công dân Nga. Nhiệt độ bảo quản vaccine là 2-8 độ C, cao hơn so với nhiệt độ bảo quản một số loại vaccine khác.
Thông báo về giá bán quốc tế của vaccine Sputnik V đưa ra trong bối cảnh Nga muốn mở rộng quy mô phân phối và sản xuất đối với loại vaccine này. Kirill Dmitriev, người đứng đầu quỹ đầu tư quốc gia RDIF của Nga, cho biết Moscow và các đối tác nước ngoài có khả năng sản xuất hơn 1 tỉ liều bắt đầu từ năm tới, đủ để tiêm cho hơn 500 triệu người.
Giá bán trên thị trường quốc tế của Sputnik V được công bố ngày 24/11 rẻ hơn so với vaccine do liên doanh Pfizer-BioNTech phát triển có giá 15,5 euro/liều (18 USD/liều). Tuy nhiên, vaccine này đắt hơn vaccine do Công ty AstraZeneca sản xuất, được bán ở châu Âu với giá khoảng 2,5 euro/liều (khoảng 3 USD/liều).
Ông Dmitriev trả lời phỏng vấn của hãng tin Reuters cho biết Moscow đã chủ động giảm giá để nhiều người trên toàn thế giới có thể tiếp cận loại vaccine này nhất có thể.
Trong thông cáo báo chí của RDIF, cơ quan này cho biết vaccine Sputnik V rẻ hơn từ 2 đến 3 lần so với các loại vaccine mRNA cùng loại với hiệu quả tương đương. Hiện thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 của vaccine Sputnik V vẫn chưa kết thúc.
Nga hồi tháng 8 trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới cấp phép cho vaccine COVID-19 dù chưa hoàn thành thử nghiệm giai đoạn 3. Hai tháng sau, nước này tiếp tục cấp phép cho loại vaccine thứ 2 có tên EpiVacCorona, do Viện Virus học Vector phát triển.
Thế giới đang tràn đầy hy vọng phòng chống COVID-19 nhờ những dấu hiệu tích cực trong công tác phát triển vaccine. Mới đây, các loại vaccine do Đại học Oxford (Anh) phối hợp với Công ty AstraZeneca sản xuất; vaccine của hãng công nghệ sinh học Mỹ Moderna hay vaccine do hãng dược phẩm Mỹ Pfizer hợp tác phát triển cùng đối tác BioNTech từ Đức đều cho thấy hiệu quả lên đến 95%.
H.Phương
Nguồn tin: http://baochinhphu.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn